1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

“Ngộp thở” với bản báo cáo tình hình tội phạm

(Dân trí) - Tội phạm công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tội phạm vị thành niên… với những con số thống kê biết nói, những diễn biến, biểu hiện đáng giật mình là vấn đề được nhấn mạnh trong phiên thảo luận về tình hình tội phạm tại diễn đàn Quốc hội.

Tội phạm ngân hàng – phát hiện nhưng không xử lý?

Tình hình tội phạm 1 năm qua diễn biến phức tạp, đại tá Nguyễn Đức Chung – người vừa nhậm chức Giám đốc Công an Hà Nội - lý giải là một biểu hiện tất yếu của tình hình kinh tế xã hội khó khăn, thất nghiệp nhiều, thiếu việc làm. Ngoài ra, cũng do quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ dẫn đến hiện tượng gia tăng các loại tội phạm.

Tội phạm trong ĩnh vực lợi dụng công nghệ cao, internet, thương mại điện tử ngày càng phát triển. Thời gian qua, tội phạm về thương mại điện tử đã mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam cũng phát giác có những vụ lừa đảo, vi phạm có giá trị đến vài trăm tỷ.
 
“Ngộp thở” với bản báo cáo tình hình tội phạm
Đại tá Nguyễn Đức Chung - GĐ Công an Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình tội phạm năm 2012.

Tội phạm xuyên quốc gia cũng trở thành thách thức của lực lượng công an. Hiện tượng móc nối giữa tội phạm ở Việt Nam và tội phạm quốc tế thường thể hiện rõ trong nhóm buôn bán ma túy, buôn bán trẻ em. Giám đốc Công an Hà Nội cũng thông tin, việc buôn bán trẻ em không loại trừ mục đích lấy nội tạng để bán vào các nước Đông Âu.

Tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được đại tá Chung nhấn mạnh vì số vụ phát hiện ngày càng lớn. Mới chỉ xuất hiện, được nhắc đến trong một thời gian ngắn trước đây nhưng đến thời điểm này, số lượng tội phạm đã tăng đặc biệt nhanh, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Ông Chũng cũng cảnh báo, thời gian tới, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có thể phức tạp nữa.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - Phó chánh án TAND TPHCM cũng đặt vấn đề, công an có bộ phận chuyên theo dõi hoạt động các ngân hàng sao không phát hiện những vụ sai phạm, tiêu cực có tổ chức, quy mô lớn trong lĩnh vực này. Hay phát hiện nhưng không xử lý?

Đại biểu khuyến nghị, cần tập trung lực lượng để theo dõi sát, phát hiện sai phạm ngân hàng. Đừng để khi chuyện bị phát hiện, khởi tố một loạt vì sai phạm mấy nghìn tỷ đồng. Chúng ta biết nhưng không chịu phát hiện để xử lý, ngăn chặn, dẫn đến kéo dài và hệ quả quá lớn.

Đặc xá coi chừng bỏ lọt tội phạm

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu các cơ quan pháp luật băn khoăn là án tù thì nghiêm nhưng đặc xá ở khâu thi hành án lại dễ dãi. Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phân tích: “Để đưa một vụ án, một bị cáo ra xét xử, các cơ quan tố tụng tốn bao tiền của, công sức. Tòa tuyên án căn ke từng tháng tù một để đảm báo tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục. Nhưng chỉ bằng một quyết định đặc xá, chúng ta đưa ra xã hội cả ngàn người. Trong số ấy, bao nhiêu tái phạm? Chất lượng giáo dục, cải tạo thế nào? Chinh phủ những năm sau phải đánh giá nghiêm khắc vấn đề này”.

Để mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị trừng phạt nghiêm minh mà vẫn thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước thì phải đảm bảo hàng nghìn người được tha tù sớm, ra ngoài xã hội đã được cải tạo tốt mới là thành công.

Đây cũng là trăn trở của tân Giám đốc Công an TP Hà Nội. Theo ông Chung, tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa. Xu hướng này nguy hiểm ở chỗ, việc quản thúc người phạm tội nhiều lần rất khó khăn. Người đi tù càng trẻ hóa, tỷ lệ khi trở lại xã hội tái phạm càng lớn. Hiện cả nước có gần 140.000 phạm nhân thuộc diện này.

Đặc biệt, có tới 60% tội phạm vị thành niên nằm trong nhóm gia đình bố mẹ ly thân, ly hôn. Đây là con số ông Chung đưa ra qua quá trình 10 năm theo dõi. Từ năm 1995 đến nay, ở Hà Nội có khoảng 70.000 vụ ly hôn. Nhóm thanh niên được sinh ra, lớn lên, nuôi dưỡng trong môi trường “khuyết lệch”, không đến nơi đến chốn nên dẫn tới tình trạng hư hỏng.

Có một bộ phận thanh thiếu niên phạm tội gây án đều nằm trong diện trẻ lêu lổng, không được gia đình quản lý. Ông Chung kiến nghị xây dựng các quy định để tăng cường trách nhiệm của bố mẹ với con cái trong trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội.

Đại tá Chũng cũng đánh giá, đặc xá là chính sách nhân đạo nhưng áp dụng cho đối tượng thụ án về tội giết người, ma túy có biểu hiện tràn lan. Trong số này, nhiều kẻ vừa ra tù lại phạm tội. “Đề nghị đối tượng gây án nghiêm trọng như giết người, buôn bán ma túy, cướp có tổ chức, có vũ khí thì không đặc xá. Cần quy định những tội danh, trường hợp phải thụ án không ân giảm” - ông đề xuất.

P.Thảo