Nghìn lẻ một cách "tuồn" ma túy về Việt Nam, tội phạm giả điên để né tội
(Dân trí) - Theo Cục C04, tội phạm ma túy lợi dụng những sơ hở của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra, như: Giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, "nhỏ giọt", thông cung, tự sát....
Thông tin tới các cơ quan báo chí, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát về ma túy toàn quốc đã triệt phá hơn 13.000 vụ, bắt giữ hơn 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 312kg heroin, hơn 1,6 tấn, gần 828.000 viên ma túy tổng hợp... khởi tố 11.045 vụ và 16.117 bị can.
Riêng Cục C04, đơn vị đã đấu tranh thành công 38 vụ, bắt giữ 121 đối tượng, thu giữ hơn 85kg heroin, hơn 310kg và 185.000 viên ma túy tổng hợp, hơn 300kg cocaine.
Biến chung cư thành "phòng bay"
Theo Bộ Công an, công tác triệt xóa các quán bar, karaoke, vũ trường... tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Cục C04 đã tập trung đấu tranh, ngăn chặn các tụ điểm ma túy, đặc biệt là những địa điểm riêng biệt như biệt thự, căn hộ cao cấp, resort... Tuy nhiên, lực lượng chức năng đối mặt với nhiều khó khăn.
Cụ thể, thời gian gần đây, việc mua bán lẻ ma túy ở các tụ điểm, giao dịch trực tiếp có xu hướng giảm dần. Thay vào đó, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, giao dịch, thỏa thuận qua điện thoại, mạng xã hội; sử dụng các dịch vụ vận chuyển tận nơi, thanh toán trực tiếp hoặc chuyển khoản... nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Ở dạng "cao cấp" hơn, những con nghiện không còn tìm đến quán bar, vũ trường... để phê ma túy mà thuê cả căn nhà, biệt thự trong khu resort, căn hộ cao cấp để tập trung bay, lắc.
Cục C04 cho hay, có đối tượng còn thuê một đến vài sàn chung cư, sau đó cải tạo thành "phòng bay" và cho thuê lại với giá 2-5 triệu đồng/phòng/ca (12 tiếng) để các con nghiện chơi ma túy.
Một vấn đề nhức nhối khác mà Cục C04 nhắc tới đó là ma túy núp bóng thuốc lá điện tử.
Theo Bộ Công an, thời gian qua, ma túy bị trà trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, tinh dầu thuốc lá điện tử. Thống kê của Cục C04 cho biết, trong năm 2022, có 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu và thực phẩm.
Giả tâm thần, tự sát để thoát tội
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, châu Âu là nơi cung cấp ma túy tổng hợp ra thị trường bất hợp pháp trên thế giới và Việt Nam. Một số quốc gia trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp có độ tinh khiết cao.
Trên tuyến hàng không, các đối tượng vận chuyển ma túy hoạt động chuyên nghiệp, móc nối, hình thành các đường dây có tổ chức chặt chẽ giữa trong - ngoài nước.
"Các đối tượng vận chuyển ma túy thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, cầm đầu là các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế, như đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), các đối tượng gốc Phi câu kết với các đối tượng ở những "trung tâm ma túy": Tam giác vàng, Lưỡi liềm vàng, Nam Mỹ... hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á", Cục C04 thông tin.
Về thủ đoạn qua mắt lực lượng chức năng, nhà chức trách cho biết, ma túy sẽ được ngụy trang, bọc giấy bạc, giấu trong vali hai đáy, thành vali, giày dép, các hộp thực phẩm, mỹ phẩm, trà, cà phê, trong các thiết bị âm thanh, thiết bị điện tử… pha thành các chất lỏng rồi thấm vào lớp lót vali, khăn tắm…
Một số vụ vận chuyển ma túy dưới hình thức nuốt, nhét trong cơ thể, tập trung chủ yếu trên các tuyến từ Việt Nam sang Úc.
Trên tuyến đường biển, Cục C04 cho biết, tình hình buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ.
Heroin, ketamine và ma túy dạng đá từ khu vực Tam giác vàng vận chuyển qua đường bộ vào Việt Nam, sau đó được các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Lào tập kết tại các kho hàng thuê sẵn, bí mật cất giấu trong các loại hàng hóa xuất khẩu như hạt nhựa, loa thùng, thiết bị điện tử, máy cẩu từ tính, máy ép bao bì, đá granit...
Sau đó, ma túy được đóng thành hàng hóa trong các container xuất đi nước ngoài (Philippines, Đài Loan, Hồng Kông, Úc, Hàn Quốc...) bằng đường biển.
Với tuyến đường bưu điện, ma túy thường là tổng hợp dạng viên (thuốc lắc), được các đối tượng ở châu Âu (Hà Lan, Bỉ, Đức…) ngụy trang dưới dạng các thùng thuốc, thực phẩm chức năng gửi về Việt Nam.
Loại hình vận chuyển này, người vận chuyển và giao hàng đều là nhân viên bưu điện; người nhận gói hàng nếu bị bắt sẽ từ chối nhận vì không biết bên trong có ma túy, gây khó khăn cho công tác điều tra bắt giữ.
Đối với các đối tượng cầm đầu, Cục C04 cho biết, chúng có rất nhiều thủ đoạn để chối tội, tạo bằng chứng ngoại phạm khi bị bắt giữ. Bên cạnh đó, chúng còn lợi dụng những sơ hở của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra, như giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, "nhỏ giọt", thông cung, tự sát...