1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ngày mai xét xử cựu Phó Chủ tịch TPHCM và đồng phạm vụ án tại SAGR

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo dự kiến, ngày mai (11/5), Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử ông Trần Vĩnh Tuyến và đồng phạm trong vụ án tại SAGRI.

Theo dự kiến, ngày mai (11/5), TAND cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên phúc thẩm vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và tham ô tài sản, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). 

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Hoàng Minh Thịnh. Tại phiên xử này, Hội đồng xét xử sẽ xem xét đơn kháng cáo của 7 bị cáo và kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TPHCM về phần dân sự.

Theo đó, bị cáo Lê Tấn Hùng - cựu Tổng giám đốc SAGRI, Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cùng 3 đồng phạm xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày mai xét xử cựu Phó Chủ tịch TPHCM và đồng phạm vụ án tại SAGR  - 1

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt (Ảnh: Hải Long).

Bị cáo Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan.

Còn bị cáo Hồ Văn Ngon - cựu Phó Tổng giám đốc SAGRI - kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo theo quy định pháp luật. Nhưng sau khi làm đơn kháng cáo, bị cáo đã qua đời do bệnh nặng.

Cuối năm ngoái, cựu Phó Tổng giám đốc SAGRI bị TAND TPHCM tuyên phạt 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Ông Hồ Văn Ngon từng giữ chức Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, Bí thư Quận ủy Thủ Đức.

Liên quan vụ án này, ông Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn bị phạt mức án 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Bị cáo Lê Tấn Hùng bị phạt 25 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản. 13 bị cáo khác bị phạt mức án từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù giam.

Theo nội dung vụ án, trong giai đoạn giữ chức Tổng giám đốc SAGRI, ông Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng... nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TPHCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (Công ty Phong Phú).

Ông Trần Vĩnh Tuyến biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường…

Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng, tuy nhiên ông Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án do SAGRI làm chủ đầu tư cho Công ty Phong Phú.

Cơ quan tố tụng cho rằng quyết định của UBND TP chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Đây là cơ sở để ông Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại SAGRI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 348 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Hùng còn chỉ đạo nhân viên lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.