1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nằm ngủ trước vành móng ngựa

Có một đàn dê trong 9 năm "đi qua" pháp đình 14 lần. Có người đàn bà là bị cáo trộm dê nằm ngủ trước vành móng ngựa. Chuyện thật mà như phim hài này xảy ra ở Bình Thuận.

Chuyện đàn dê trong vụ án trộm dê xảy ra ở huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). 9 năm là thời gian xét xử vụ án, qua 14 phiên tòa sơ thẩm nhưng vẫn chưa biết đàn dê đi đâu, về đâu?

Cùng với đàn dê đó là một phụ nữ - bị cáo có liên quan đến việc trộm cắp đàn dê - mệt mỏi vì nhiều lần tạm giam và hầu tòa.


Càng xử càng bế tắc, vì tòa chưa tìm ra "sự thật khách quan". Vụ án để quá lâu, qua nhiều đời chánh án. Còn "đàn dê tang vật" chắc đã vào các nồi lẩu phục vụ bợm nhậu, hồ sơ vụ án thì có dấu hiệu bị làm sai lệch. Xử tới 14 phiên sơ thẩm mà vụ án trộm dê vẫn chưa được sáng tỏ.

Cùng với những thiếu sót về chứng cứ trong quá trình điều tra nên khó khăn trong xét xử, vụ án này còn bị lãng quên. Tòa án bỏ hồ sơ vụ án vào ngăn kéo mất mấy năm, cho đến khi bị tòa cấp trên “gõ” mới lật đật đem ra xử từ ngày 9.1.

Trong phiên xử hôm qua (ngày 14.1), bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi) đắp mền nằm ngủ trước vành móng ngựa. Chuyện lạ hình như chỉ có ở pháp đình nước ta. Nhìn hình ảnh một người phụ nữ đắp mền nằm ngủ ngay tại công đường, trên là quan tòa trịnh trọng phân xử, ai cũng thấy như chuyện hài hước. Hình ảnh đó làm mất đi sự tôn nghiêm của pháp luật, uy quyền của cơ quan tư pháp!

Bị cáo ngủ có nghĩa là không nghe, không thấy và tất nhiên lúc đó không có năng lực hành vi, làm sao vừa ngủ vừa nghe xét xử được. Vậy mà Hội đồng xét xử TAND huyện Bắc Bình vẫn xử. Đại diện Viện KSND vẫn tham gia tố tụng. Một luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo nói rằng: “Trong gần 20 năm hành nghề, tôi chưa gặp trường hợp này bao giờ”!

Bị cáo Nguyệt nằm đắp mền ngủ là có nguyên do của nó. Trong các ngày xét xử trước đó, bị cáo Nguyệt bị bệnh, được bác sĩ điều trị tạm thời, sau đó cảnh sát đưa vào nằm ghế bố trước vành móng ngựa để tòa án xét xử. Báo chí gọi là “xử nằm”, bởi vì bên trên thẩm phán xét hỏi, còn bên dưới bị cáo nằm bất động. Đến các ngày sau, bị cáo Nguyệt vẫn còn bệnh, sức khỏe không ổn định.

Một vụ án trộm dê để kéo dài 9 năm không xử được, thế thì những cán bộ của các cơ quan tố tụng từ điều tra, kiểm sát đến tòa án của huyện Bắc Bình có xứng đáng ngồi ở những chiếc ghế chấp pháp đó không?

Không riêng gì Bình Thuận. Án tồn đọng, kéo dài nhiều năm khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là vì cán bộ nghiệp vụ hạn chế, chưa kể đạo đức yếu kém. Thế nhưng những con người đó vẫn tại vị trên những chiếc ghế quan tòa để ban phát công lý.

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động