Một bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nạn nhân vụ Cát Tường
(Dân trí) - Khi được nhân viên trung tâm thẩm mỹ gọi điện thông báo chị Huyền có biểu hiện xấu, Nguyễn Mạnh Tường đã gọi một bác sỹ làm cùng khoa với mình ở Bệnh viện Bạch Mai đến cấp cứu cho nạn nhân.
Như tin đã đưa, Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh, nguyên là Giám đốc và bảo vệ của Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Theo đó, bị can Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội: “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 Bộ luật Hình sự và tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 Điều 242 BLHS.
Bị can Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, theo khoản 2, Điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
Thẩm mỹ viện Cát Tường, nơi xảy ra vụ án rúng động dư luận năm 2013.
Đáng chú ý, cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội còn xác định, một bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, nơi Nguyễn Mạnh Tường công tác khi gây án, đã tham gia cấp cứu nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền khi chị này có biểu hiện sức khỏe xấu sau phẫu thuật.
Cụ thể, thời điểm gây án, Nguyễn Mạnh Tường đang là bác sỹ khoa Ngoại của BV Bạch Mai (Hà Nội). Tường mở Thẩm mỹ viện Cát Tường ở số 45 đường Giải Phóng (phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội), làm Giám đốc và trực tiếp làm thẩm mỹ.
Thẩm mỹ viện của Tường có 24 nhân viên. Khi hoạt động, TMV Cát Tường chưa có giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội mà chỉ có Đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp và Giấy chứng nhận hành nghề cá nhân do Bộ Y tế cấp.
Ngày 19/10/2013, Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp hút mỡ bụng và nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền. Khoảng 17h45 cùng ngày, nhân viên của TMV Cát Tường gọi điện báo cho Tường biết chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Tường chỉ định cho nhân viên tiêm cho chị Huyền 2 ống thuốc trợ tim và 2 ống thuốc dị ứng, truyền dịch muối và cho thở ô-xy.
Tiếp theo, Tường gọi điện cho một bác sỹ tên T. làm cùng khoa với Tường ở BV Bạch Mai, đến TMV Cát Tường để cấp cứu chị Huyền. Sau đó, Tường đi xe ô tô về TMV, thấy chị Huyền ở tình trạng mặt tím, không có nhịp tim.
Lúc này, Tường cùng bác sỹ tên T. cấp cứu cho chị Huyền. Tường đặt nội khí quản cho chị Huyền, bóp bóng và bóp ngoài lồng ngực, tiêm 2 liều thuốc trợ tim nhưng không có kết quả.
Sau khi chị Huyền tử vong, Nguyễn Mạnh Tường chỉ đạo các nhân viên thu dọn đồ đạc mang đi cất giấu; tháo ổ cứng máy vi tính và đầu thu camera đem đi vứt. Bản thân Tường cùng bảo vệ Đào Quang Khánh đã đưa xác chị Huyền đi phi tang. Dọc đường, được vợ là Nguyễn Thị Hằng can ngăn, Tường vẫn nhất quyết thực hiện việc ném xác chị Huyền xuống sông.
Theo Viện KSND TP Hà Nội, bác sỹ T. được Tường gọi đến Thẩm mỹ viện giúp Tường cấp cứu chị Huyền, nhưng sau khi chị Huyền tử vong, T. không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Viện KSND TP Hà Nội nhận định, hành vi trên của bác sỹ T. không cấu thành tội. Cơ quan điều tra không đề cập xử lý là có căn cứ.
Đối với một số nhân viên TMV Cát Tường tham gia phụ giúp Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền, theo Viện KSND TP Hà Nội, do Tường phạm tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, nên không có căn cứ xử lý đồng phạm theo Điều 20 BLHS.
Viện KSND TP Hà Nội nhận định, các đối tượng liên quan là nhân viên TMV Cát Tường đã có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, Nguyễn Mạnh Tường phạm tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là tội phạm không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều 313 Bộ luật Hình sự (Tội che giấu tội phạm) và điều 314 BLHS (Tội không tố giác tội phạm). Cho nên, hành vi của các đối tượng này không cấu thành tội “Che giấu tội phạm” hoặc “Không tố giác tội phạm”. Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.
Tiến Nguyên