1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Mất nhà vì án oan và hành trình đi đòi lời “xin lỗi”

“Tôi đã phải hiến cả căn nhà duy nhất để bồi thường dân sự, trong khi tôi bị oan” - những lời xót xa của ông Phạm Đức Bình khi nói về câu chuyện án oan của mình. Sau 13 năm được tuyên vô tội, ông Phạm Đức Bình vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường.

Sau 13 năm được tuyên vô tội, ông Phạm Đức Bình vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường.
Sau 13 năm được tuyên vô tội, ông Phạm Đức Bình vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường.
Bán nhà để thi hành án

Vẻ mặt ủ rũ, thất thần, ông Phạm Đức Bình (SN 1956 ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, nay ở ngõ Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, ông đã từng bán cả nhà để bồi hoàn khoản bồi thường dân sự do TAND TP Hà Nội quy kết hồi năm 2000. Sau khi được giải oan, ông vẫn tay trắng và các món nợ ngày càng chồng chất.

Chiều 17/3, ông Bình tâm sự: “Ngay khi tòa cấp sơ thẩm tuyên án, tôi đã làm đơn kháng cáo, bác bỏ toàn bộ quan điểm của TAND TP Hà Nội”. Cũng theo ông Bình, từ ngày tòa tuyên án, ông đã phải bán căn nhà ở Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội để chấp hành bản án sơ thẩm ngày 16/3/2000. Sau đó, cả gia đình về ở nhà ông bà ngoại, một căn nhà 12m2 cho cả 3 gia đình chui rúc”.

Bản án buộc ông Bình buộc phải bồi hoàn cho Cty thi công cơ giới xây lắp hơn 200 triệu đồng – một số tiền khá lớn thời đó.

Hành trình đi đòi lời “xin lỗi”

Ông Bình cho rằng, TAND TP Hà Nội có dấu hiệu nhập nhèm về chuyện thời hiệu, không thực hiện đúng chức trách của mình, kể từ khi bản án phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, khẳng định ông không phạm tội.

“Tôi là một công dân thiếu hiểu biết pháp luật, khi Tòa Phúc thẩm – TAND Tối cao ngày 5/1/2001, khẳng định tôi vô tội, nhưng tôi không hề biết việc phải làm đơn đến TAND TP Hà Nội để yêu cầu bồi thường theo luật định” – ông Bình nói. Cứ nghĩ phía Cty sẽ có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ thiệt hại cho mình, nên ông Bình không làm đơn yêu cầu TAND TP Hà Nội xem xét, bồi hoàn.

Mãi đến năm 2005, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia pháp lý, ông Bình mới làm đơn gửi tới TAND TP Hà Nội yêu cầu xin lỗi, bồi thường theo luật định. Song, ông Bình chỉ nhận được một thông báo đã... hết thời hiệu yêu cầu. Ông Bình cho biết thêm, từ ngày TAND Tối cao tuyên ông vô tội, ông không nhận được bất cứ văn bản nào từ phía TAND TP Hà Nội trao đổi với ông về những nội dung trên.

Nhận thấy TAND TP Hà Nội chưa làm hết trách nhiệm, ông Phạm Đức Bình liên tiếp gửi các đơn đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau. Đến tháng 10/2006, TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn ông này tới TAND TP Hà Nội xem xét giải quyết theo diện bị kết án oan, quy định tại Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Vĩnh Tường, Chánh tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội cho rằng, cơ quan này đang lên kế hoạch, khi nào có lịch cụ thể xử lý trường hợp của ông Bình sẽ thông báo sau...

Được biết, ngày 13/3 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã có kế hoạch đưa trường hợp ông Phạm Đức Bình ra “xin lỗi công khai” vì bị kết án oan theo tinh thần Nghị quyết 388. Tuy nhiên, sau đó buổi xin lỗi công khai này đã tạm hoãn.

Ông Phạm Đức Bình nguyên là Cửa hàng trưởng Cửa hàng dịch vụ tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm, thuộc Cty Thi công cơ giới và xây lắp. Ngày 16/3/2000, ông Bình bị TAND TP Hà Nội tuyên 30 tháng tù cho 2 tội danh Tham ô và Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Đến ngày 5/1/2001, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội xét xử, tuyên bố ông Phạm Đức Bình không phạm tội.

Theo Bảo Thắng
Tiền phong