1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Ly kỳ chuyện vượt ngục của tù nhân

Một trinh sát trại giam bảo rằng, trong nhiều năm đeo đẳng nghề “truy bắt phạm nhân trốn trại”, đôi lúc anh cảm thấy chua xót khi phải chứng kiến những phạm nhân chỉ ăn rồi ủ mưu trốn chạy...

Từ những mưu ma, chước quỷ đó, chúng tạo nên những cuộc vượt ngục không kém phần ly kỳ.

Cuộc đào thoát vào đêm giao thừa

Trong rất nhiều vụ phạm nhân trốn trại, trường hợp của Lê Đăng Thống có thể coi là tinh vi và ma mãnh. Từng là một cán bộ Công an tha hoá biến chất, bị kỷ luật, Thống xin chuyển ngành, rồi tham gia vào đường dây buôn bán heroin liên tỉnh Quảng Ninh - Hà Tây - Hòa Bình - Lào của trùm ma tuý Nguyễn Ngọc Phụ, tức “Hà tí tồ”.

Hắn được đưa vào cải tạo tại Trại giam số 5 Thanh Hoá với án tù chung thân. Trong thời gian cải tạo tại đây, mỗi lần được ra ngoài, Thống thường lựa những mẩu tre cật dài chừng một gang tay tìm cách đem về trại, cất vào hòm đồ trong phòng của Ban Thi đua.

Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân trong các trại giam luôn được chú trọng
Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân trong các trại giam luôn được chú trọng
 
Chiếm được lòng tin của cán bộ, giao thừa Tết 2001, Thống và một số phạm nhân khác được lựa chọn cùng đi chúc Tết phạm nhân, phát quà của Ban Giám thị và cấp nước sôi cho phạm nhân pha trà đón giao thừa. Sau đó, hắn được ngủ lại tại Phòng thi đua.

Không bỏ lỡ cơ hội, Lê Đăng Thống chờ những người khác ngủ say liền lấy cật tre nhanh chóng bện thành thang dây. Chiếc thang tự tạo đó đã giúp hắn trốn ra ngoài. Sau khi trút bỏ bộ quần áo tù, hắn mặc bộ dân phục đã được chuẩn bị từ trước rồi chạy ra đường cái.

Hắn nói dối mọi người là đang đi chúc Tết xe bị hỏng, xin đi nhờ. Về tới Nông trường Lam Sơn, Thống ăn trộm một chiếc xe đạp, đạp về hướng Đông Nam. Đến huyện Triệu Sơn, hắn bán xe lấy tiền mua vé lên tàu dông thẳng vào Nam.

Hắn trốn ra ngoài chưa đầy 3 giờ thì kẻng báo động chát chúa vang lên. Coi như trại giam mất Tết. Các chốt chặn được thiết lập trên các nẻo đường, ngay bên vệ đường hoặc bìa rừng, vậy mà tung tích kẻ đào tẩu vẫn bóng chim tăm cá. Các chốt được lệnh rút về, các cán bộ trinh sát của trại lại tiếp tục lên phương án đánh án với quyết tâm phải bắt được Lê Đăng Thống.

Sau nhiều ngày theo dõi, bám đuổi vợ của Thống trên hành trình vào Nam thăm chồng, các cán bộ, chiến sỹ của trại 5 đã tóm gọn Lê Đăng Thống ngay trên sân ga Sài Gòn. Tên cáo già đành cúi đầu chịu tội, ngoan ngoãn đưa tay vào còng.

Thay tên đổi họ làm… lâm tặc

Đó là thủ đoạn của Đỗ Văn Chén (quê ở Mê Linh, Hà Nội), phạm nhân cải tạo tại Trại giam số 3 (đóng trên địa bàn huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cơ sở vật chất trại còn nghèo nàn, gianh tre nứa lá, lại đóng trên địa bàn hiểm trở, rừng thiêng nước độc. Lợi dụng một đêm giông bão, mưa lũ trắng trời, Ngọc đào tẩu thành công. Hàng trăm lượt trinh sát đã được huy động nhằm lần tìm tung tích, nhưng hắn vẫn bặt vô âm tín.

Hắn thay tên đổi họ thành Nguyễn Văn Thành và sống chui lủi nhờ các mối quan hệ ngoài xã hội. Cứ ở đâu một thời gian, nghe chừng “động” là hắn lại chuồn. Rất nhiều lần, các trinh sát tưởng như đã “vồ” được hắn, nhưng đến khi mật phục đâu đấy thì hắn đã “cao chạy xa bay”. Cứ thế, cuộc “rượt đuổi” kéo dài hàng chục năm. Qua công tác trinh sát, cơ quan Công an nhận được thông tin Chén đã lấy vợ, có con và đang sinh sống đàng hoàng trên miền rừng Lào Cai, các trinh sát lập tức lên đường. Trước khi đi, trong tay họ chỉ vẻn vẹn có mỗi tấm ảnh bé bằng bao diêm đã ố vàng của Chén.

Rất nhiều phạm nhân đã từng cất giấu những dụng cụ hỗ trợ việc vượt ngục trong bộ quần áo sọc
Rất nhiều phạm nhân đã từng cất giấu những dụng cụ hỗ trợ việc vượt ngục trong bộ quần áo sọc
 
Do Đỗ Văn Chén bỏ trốn đã quá lâu, ngoại hình thay đổi rất nhiều nên các trinh sát đã phải rất vất vả mới xác minh chính xác được Nguyễn Văn Thành đúng là phạm nhân Đỗ Văn Chén đã từng trốn trại cách đây hơn thập kỷ.

Sau khi nắm được nơi ở, thói quen sinh hoạt của Chén, tổ công tác đặt quyết tâm phải bắt bằng được hắn về quy án. Nhiều phương án tác chiến được đưa ra, nhưng cuối cùng các trinh sát quyết định đón lõng khi hắn đi rừng chặt gỗ.

Sáng hôm sau, như thường lệ, Chén lại vác dao lên rừng khai thác pơ - mu, các trinh sát bí mật bám theo. Với tính manh động, liều lĩnh, vừa phát hiện bóng các trinh sát (lúc đó đã được hóa trang thành người dân đi rừng), Chén xách vũ khí định lao đầu chạy vào rừng cố thủ nhưng thất bại.

Giả dạng… quản giáo

Một câu chuyện điển hình khác trong cả trăm cách trốn trại của tù nhân là vụ Nguyễn Văn Duệ, SN 1962, vào tù với án phạt 4 năm do tội danh chống người thi hành công vụ. Duệ là một tù nhân khá khéo tay, tuy bị giam ở phân trại dành cho nam giới nhưng Duệ để ý thấy Thượng tá Nguyễn Thị Can, Phó Giám thị phụ trách phân trại 4 dành cho nữ tù thường xuyên qua lại các phân trại.

Chị Can hay mặc thường phục, đội nón lá giản dị nên Duệ rắp tâm trốn trại bằng cách đóng giả chị Can. Khi gặp Duệ tại phân trại số 5 Thanh Cẩm, chúng tôi rất ngạc nhiên vì dù đã già và thay đổi khá nhiều, tên Duệ vẫn giống chị Can một cách bất ngờ.

Tên Duệ kể lại quá trình trốn trại cách đây nhiều năm khá chi tiết. Hắn đã lên kế hoạch trốn trại tỉ mỉ và nhờ người quen mua quần áo phụ nữ giấu ở “hố đen” - cách các tù nhân gọi nơi cất giấu những đồ đạc trái phép không được mang vào trại, quấn gọn ghẽ rồi nhét dưới đáy xô mang vào trại.

Nón lá thì dễ kiếm rồi vì tù nữ đi làm, ai cũng đội nón. Gần trưa, khi các cán bộ quản giáo và tù nhân đã nghỉ, sân trại vắng lặng thì “chị Can” quần áo chỉnh tề, nón lá nghiêm ngắn đi ra.

Lê Đăng Thống
Lê Đăng Thống

Tới trạm cảnh giới thì “chị” bị phát hiện bởi vết xăm trên ngực lấp ló dưới cổ áo. Biết bị lộ tẩy, tên Duệ vội ném nón, vơ lấy thanh sắt uy hiếp cán bộ quản giáo và cướp súng nhằm thoát thân.

Ngay lúc ấy, các cán bộ Công an thuộc Đội Cảnh sát bảo vệ đã trấn áp được hành vi côn đồ hung hãn của Duệ. Hắn đã phải trả giá cho lần vượt ngục bất thành của mình bằng 20 năm tù và các cán bộ, chiến sỹ của Trại giam số 5 cũng có thêm một bài học về thủ đoạn của tù nhân khi tìm đường trốn chạy khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Trốn trại, neo mình nơi sông nước

Trong “thế giới người tù” giống như một xã hội thu nhỏ ấy, họ có đủ thời gian “nặn óc sáng tạo” ra trăm phương ngàn kế. Từ những tên “buồn tình” dùng dao lam cắt chân, cắt tay máu chảy lênh láng, đến những kẻ tự rạch bụng mình cho lòi ruột gan, phèo phổi để được đưa đi bệnh viện rồi thừa cơ trốn thoát.

Rất nhiều tên trong số đó bị bắt lại ngay khi mới vừa trốn trại, nhưng cũng không hiếm kẻ đã khiến lực lượng chức năng phải lăn lộn hàng năm, thậm chí hàng chục năm mới lần ra tung tích.

Như trường hợp tên Nguyễn Thái Sơn (ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng), thụ án tại Trại giam số 3. Lợi dụng lúc đi làm đồng, Sơn trốn khỏi trại giam. Hắn vào nhà dân ăn trộm quần áo rồi sống chui lủi trong rừng như hoang thú. Cứ ngày ngủ, đêm di chuyển theo dọc các cánh rừng ngược lên phía Bắc. Ngày hắn mò mẫm lên nương rẫy bẻ ngô sắn của đồng bào, đêm thì vào bản bắt trộm vật nuôi, cứ ở đâu có “động”, hắn lại chuyển “nhà”.

Vốn sinh ra là dân miền biển, quen sông nước, nay lại phải dựa vào rừng mà sống nên hắn bữa đói nhiều hơn bữa no. Cuối cùng, hắn quyết định dùng phương kế “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”. Hắn lộn về đất Cảng.

Nhưng, hắn không về nhà mà mua lại của một dân chài con thuyền nhỏ rồi bắt đầu lênh đênh đời sông nước. Và, cũng trên chính chiếc thuyền nan rách nát đó, hắn lấy một cô vợ cũng dân chài lưới rồi sinh liền tù tì mấy đứa con. Đến khi Sơn bị các trinh sát truy nã bắt giữ, vợ con hắn còn nhất mực cãi rằng: “Các anh bắt nhầm người rồi, chồng tôi có tội tình gì?”.

Thế mới thấy được, trong “thế giới áo kẻ sọc”, không phải phạm nhân nào cũng hối cải, dễ dàng chấp nhận lao động cải tạo cho tới ngày hết án. Nhưng, dù có “sáng tạo” ra muôn vàn chiêu trò tinh vi, liều lĩnh thế nào để nhằm trốn chạy sự trừng phạt của pháp luật thì sớm muộn gì cũng bị bắt về quy án.

Theo Tuệ Lâm
Công lý