1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Luật sư của ông Đinh La Thăng: Quy kết lợi ích nhóm là vô căn cứ!

(Dân trí) - Đối đáp với quy kết của Viện Kiểm sát cho rằng có “lợi ích nhóm” trong vụ án, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) cho rằng đây là quy kết không có căn cứ, cần phải xác định lại.

Chiều 15/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư. Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã phản bác quy kết của Viện Kiểm sát cho rằng có “lợi ích nhóm” trong vụ án này.

Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp chiều 15/1.
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp chiều 15/1.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày 15/1, đại diện VKS cho rằng, xét mối quan hệ cho thấy Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh đều do ông Đinh La Thăng quyết định trong việc đưa về bổ nhiệm, cất nhắc. Trên cơ sở quan hệ đó, mặc dù biết rõ PVC khó khăn tài chính, không đủ năng lực nhưng để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng vẫn chỉ định thầu, chỉ đạo các bị cáo và đối tượng liên quan ở PVPower ký hợp đồng EPC số 33 và tạm ứng tiền trái pháp luật để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.

“Qua đó thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án.” - đại diện VKS nêu quan điểm.

Đối đáp lại, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, đây là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội chứ trước đó chưa được thể hiện trong quá trình điều tra, truy tố.

“VKS lập luận cho rằng do ông Thuận, ông Thanh là do ông Thăng cất nhắc bổ nhiệm nên có ưu ái chỉ định PVC làm tổng thầu. Có căn cứ nào để xác định việc cất nhắc bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp? Ông Thăng có lợi ích gì trong việc đó? Quy trình bổ nhiệm, cất nhắc có căn cứ nào để xác định là sai?” - luật sư Thiệp đặt câu hỏi.


Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tranh luận về quy kết lợi ích nhóm của Viện Kiểm sát. (Ảnh: An Đăng - TTXVN)

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tranh luận về quy kết "lợi ích nhóm" của Viện Kiểm sát. (Ảnh: An Đăng - TTXVN)

Theo luật sư Thiệp, nếu có căn cứ thì cần chỉ ra để thấy sự ràng buộc, còn việc lãnh đạo thấy cán bộ đáp ứng yêu cầu, đủ khả năng thì thậm chí tìm mọi cách lôi kéo nhân sự về là bình thường, đâu phải vì cất nhắc mà ưu ái.

“Đây là suy diễn và nhận xét không hề dựa trên bất kỳ căn cứ nào. Đây là điểm ngay từ đầu luật sư nói có quy kết không phù hợp.” - luật sư Thiệp nêu quan điểm.

“Chốt” lại vấn đề về “lợi ích nhóm”, luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng đề nghị VKS làm rõ: “Nếu nói lợi ích nhóm xuất phát từ việc đó thì cần chỉ ra đó là lợi ích gì? Lợi ích cho ai? Để cuối cùng cả 3 ông đều ngồi đây!”.

Tiếp tục phần tranh luận của mình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp phân tích kỹ về mối quan hệ giữa HĐTV, Ban Giám đốc để tách bạch, làm rõ trách nhiệm những người đứng đầu và cấp dưới. Theo luật sư Thiệp, quy chế, điều lệ được phê duyệt về hoạt động của PVN quy định cụ thể các cấp phải làm gì, quyền - nghĩa vụ cụ thể ra sao. Điều này chứng minh mối quan hệ giữa các tầng, lớp để làm sao không chồng chéo, lấn sân, điều hoà trong công tác quản lý sản xuát kinh doanh của một tập đoàn lớn.

“Đã phân công, phân quyền thì ai lĩnh vực nào thì chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện nội dung đó theo lĩnh vực được phân công. Không phải việc gì ông Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc buộc phải biết, phải tham gia, phải sát sao chỉ đạo.” - luật sư Thiệp phân tích và cho rằng, có sự lẫn lộn giữa chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ nên có việc suy đoán trách nhiệm không phù hợp, do đó cần xem xét lại.

Tiến Nguyên