Lãi suất “khủng” từ công ty đa cấp - Tiền lãi từ đâu ra?

Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an vừa triệt phá đường dây huy động lãi suất “khủng” gây xôn xao dư luận ở Đồng Nai. Thủ đoạn “cũ rích” nhưng hàng ngàn người vẫn dính bẫy.

Động thai vì “sốc” mất tiền đầu tư

Có tới 4.000 khách hàng “sập bẫy” huy động vốn lãi suất cao do Nguyễn Thị Minh Phương (38 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phương Thái An, tọa lạc khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cầm đầu.

Nhiều nạn nhân đã đến Cơ quan công an trình báo vụ việc. Trong đó, rất nhiều nạn nhân qua theo dõi thông tin báo chí phản ánh mới biết mình bị công ty này lừa đảo. Phần lớn họ đều “nuôi” giấc mộng đổi đời nhờ lãi suất cao từ công ty này nhưng rốt cuộc phải ngậm trái đắng.

Chị N.T.M.D. (ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) đã bị công ty này lừa đảo gần 45 triệu đồng. Thông qua giới thiệu của người bạn thân, chị đã quen biết với một người đàn ông tên S. (ngụ Đồng Nai). Trong lần gặp đầu tiên tại quán cà phê ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), S khoe mình quen thân với Phương và Phạm Thanh Toàn (45 tuổi, cùng ngụ phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai, Tổng Giám đốc Công ty) và Hồ Đình Phú (24 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, Giám đốc kinh doanh).

Mấy người này đều là những đứa em “thân cận” của S. Từ một người có cuộc sống khốn khó, họ đã giúp S có được nhà cửa đoàng hoàng, tiền bạc tiêu dùng rủng rỉnh. S chỉ việc bỏ vốn và thu tiền lãi hàng tháng. Các em của S. đều có mối quan hệ “khủng” với các cơ quan chức năng nên đang làm ăn rất thịnh. Nếu đầu tư sớm thì chị được hưởng lãi suất càng cao.

Ông S. cũng cho chị D. biết thêm: hiện nay, công ty cần tiền đầu tư để mở hãng xe taxi, kinh doanh bất động sản và mở gara sửa chữa xe “khủng” tại Đồng Nai. Theo kế hoạch dài hạn của công ty, sau khi thành công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ mở tiếp chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh.

Sau những lời nói như “rót mật” vào tai, S. khuyên D. có bao nhiêu tiền đầu tư vào cho Công ty Phương Thái An để kiếm lời. Bởi lẽ, cứ mỗi mã (hơn 10 triệu đồng) sẽ được nhận lãi 130%/tháng, cứ 5 ngày sẽ được nhận tiền vào tài khoản 2,2 triệu đồng. Thấy vậy, D. đã mua 4 mã (gần 45 triệu đồng) và còn kêu gọi thêm một số bạn và người thân trong gia đình “đầu tư” cùng.

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt đối tượng Phương.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt đối tượng Phương.

Một vài người bạn của D. còn không ngần ngại đầu tư vài trăm triệu đồng. Nếu đúng thực tế theo lãi suất của công ty, trong vài năm D. có thể mua xe hơi và nhiều tài sản khác có giá trị.

“Lúc đầu, Công ty Phương Thái An cứ 5 ngày gửi tiền lãi vào tài khoản cho khách. Tuy nhiên, chỉ uy tín được 3 đến 4 lần thì phía công ty đa cấp này không chịu chuyển tiền nữa. D. đã đòi tiền nhiều lần nhưng S. cứ đưa ra nhiều lý do, đổ lỗi cho ngân hàng. Trên mạng Zalo, S. đã tạo một group cho những người tham gia trao đổi thông tin qua lại về công ty. Do S. mất uy tín với D. nên cả hai xảy ra cãi vã. Tức giận, S. xóa tên D. ra khỏi group này. Quá sốc vì tiền gốc không lấy lại được, tiền lãi không có, tôi đã bị động thai, căng thẳng suốt thời gian dài”, chị D. bức xúc.

Cùng lâm vào cảnh tương tự, chị T. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, chị tham gia đầu tư vào công ty từ tháng 7-2016 do người bạn thân giới thiệu. Qua đó, T. mới biết M. và S. (ngụ Đồng Nai). Với những lời chào mời rất hấp dẫn, chỉ lãi suất “khủng” mà không bao giờ lỗ và mất tiền, nên T. mạnh dạn đầu tư 250 triệu đồng vào công ty. 3 lần đầu công ty gửi tiền lãi vào tài khoản đúng hẹn nhưng sau đó họ nêu đủ lý do để trì hoãn, không chịu trả tiền như đối tác chưa chuyển tiền, sản phẩm chưa hoàn thành đúng hạn, “sếp” đi công tác...

Đồng bọn của Phương cùng bị bắt giữ.
Đồng bọn của Phương cùng bị bắt giữ.

Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, T. bán 100 triệu đồng tiền cổ phần của mình trong công ty cho người khác. Lúc này, do sợ mất uy tín với bạn bè của T. (cũng góp vốn vào công ty) nên M. đã mua lại cổ phần của T. Khi báo chí đưa tin công ty này là công ty đa cấp, lừa đảo thì T. mới biết mình và bạn bè, người thân bị mất rất nhiều tiền đầu tư vào công ty này. Cũng vì tham gia công ty này, vợ chồng chị T. thường xuyên lục đục trong quan hệ gia đình khiến chị rất mệt mỏi. Một số mối quan hệ bàn bè cũng “thưa” dần không được thân thiết như trước đó.

Chị T. bày tỏ: “Tôi sẽ thông báo rộng rãi cho bạn bè và người thân biết về thủ đoạn của công ty này để lột tả bản chất của các đối tượng. Bọn chúng còn sử dụng chiêu thức kêu gọi huy động lãi suất cao đầu tư ở nhiều lĩnh vực, đa cấp trên mạng để thu hút thêm khách hàng nên sẽ có nhiều nạn nhân sập bẫy như mình. Mong Cơ quan công an sớm làm rõ mọi việc để xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu”.

Tan vỡ giấc mộng đổi đời

Từ đầu năm 2016 đến nay, Cục C50 nhận được tin tố giác tội phạm của nhiều nạn nhân về đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức huy động vốn lãi suất cao trái phép. Các đối tượng lập website hero8.org để kêu gọi khách hàng nhiều tỉnh thành trong cả nước, tham gia góp vốn vào công ty. Qua tìm hiểu về đường dây này, trinh sát Cục C50 phát hiện các đối tượng không hề đầu tư, kinh doanh theo phương thức hoạt động của công ty để sinh lợi.

Thực tế, chỉ sử dụng tiền của người trả sau trả cho người trước khi tham gia vào hệ thống. Đường dây này do Phương cầm đầu, còn Toàn và Phú có vai trò giúp sức đắc lực cho Phương trong việc lừa đảo hàng ngàn khách hàng với hình thức huy động vốn lãi suất cao trái phép. Ngay sau đó, Cục C50 đã xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ hoạt động của các đối tượng.

Tuy nhiên, trinh sát gặp không ít khó khăn suốt quá trình tiếp cận đường dây này. Bởi lẽ, mỗi khách hàng được chúng cung cấp cho một mã ID thành viên để bảo mật. Họ không hề có mối liên hệ với nhau trong quá trình giao dịch nên tin tưởng tuyệt đối vào những lời “đường mật” qua giới thiệu của công ty.

Cũng như các lĩnh vực kinh doanh đa cấp và huy động lãi suất “khủng” khác, chúng còn phân công người đến tận nơi để tiếp thị, quảng cáo “bốc trời” khi một số người chưa tin tưởng. Khách hàng tham gia đầu tiên thường được những ưu đãi hấp dẫn mà không phải công ty nào cũng có thể đem lại. Ngoài ra, bọn chúng cũng yêu cầu họ giữ bí mật hoạt động lời lãi của công ty, vì lợi ích không đều.

Thực chất chỉ là hình thức để che mắt cơ quan chức năng. Có thời điểm thấy động, các đối tượng hạn chế tiếp nhận thêm khách hàng và chỉ tiếp nhận khách hàng mới qua sự giới thiệu từ các khách hàng “kim cương” (tức những người tham gia đầu tiên - PV).

Cụ thể, các khách hàng tham gia vào hệ thống phải đầu tư 10.160.000 đồng sẽ được cấp một mã gọi là ID. Trong đó, 2.160.000 đồng gọi là tiền pin (một lệ phí tham gia do hệ thống đặt ra) và 8 triệu đồng đầu tư ban đầu gọi là PH.

Tang vật của vụ án.
Tang vật của vụ án.

Theo mô hình giới thiệu, cứ 5 ngày mỗi cá nhân tham gia một mã sẽ được nhận 2.200.000 đồng gọi là GH. Mỗi cá nhân được nhận tất cả 18 đợt. Do đó, theo tính toán trong khoảng thời gian 5x18=90 ngày, nếu đầu tư 10.160.000 đồng thì khách hàng nhận được 2.200.000x18=39.600.000 đồng, tức lợi nhuận đầu tư ước tính khoảng 130%. Đây là lợi nhuận “khủng” mà khách hàng nhận được trong thời gian ngắn. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, ngày 7-10, C50 phối hợp cùng Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành bắt giữ các đối tượng trên.

Qua đấu tranh, đến ngày 12-10, cả 3 đối tượng bước đầu khai nhận: Đã có 14.637 mã ID của thành viên kích hoạt tham gia thực tế, trong số lượng 21.405 mã ID tham gia hệ thống. Từ đầu năm 2016, Phương, Phú và Toàn góp vốn thành lập Công ty CP Phương Thái An. Sau đó, thuê người lập website hero8.org và thiết kế cách thức hoạt động theo mô hình do Phương nghĩ ra, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia. Đã có hơn 4.000 người tham gia vào hoạt động của công ty.

Hoạt động hệ thống website của công ty là do Phú phụ trách. Hằng ngày, Phương, Toàn và Phú quảng bá công ty của mình cần hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, kêu gọi những cá nhân tham gia ký kết hợp đồng của công ty. Tiền lãi suất sẽ được công ty trả qua tài khoản ngân hàng.

Quá trình làm việc, các đối tượng thường xuyên họp bàn và đưa ra ý kiến thống nhất trong việc triển khai các gói huy động vốn khác nhau. Số tiền chiếm đoạt được, cả 3 sử dụng tiêu xài cá nhân. Hàng ngàn nạn nhân đã chuyển hơn 104 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Minh Phương, 11 tỷ đồng vào tài khoản Hồ Đình Phú và 15 tỷ đồng vào tài khoản của Phạm Thanh Toàn.

Cục C50, Bộ Công an cho biết, những kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý ham lãi suất cao, nhiều người không ngần ngại bỏ số tiền lớn đầu tư vào các công ty đa cấp, dự án. Nhiều người có hoàn cảnh rất đáng thương như phải bán cả nhà đất thế chấp ngân hàng, gia đình tan nát, mất cả mối quan hệ bạn bè...

Khi đã hết tiền, họ còn đi lừa cả người khác để kiếm tiền trả nợ, thậm chí có người bỏ trốn để tránh sự truy lùng khi “vay nóng” từ dân anh chị ngoài xã hội. Thực tế cho thấy, công ty không kinh doanh thì lãi suất “khủng” từ đâu ra.

Hiện, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án trên tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đề nghị ai từng là nạn nhân của các đối tượng trên sớm đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an (số 258 Nguyễn Trãi, quận 1, TP Hồ Chí Minh) để được hướng dẫn giải quyết vụ việc.

Theo Đức Mừng

An ninh thế giới