Kỳ án Vi Văn Phượng giết mẹ: Điều tra viên nói về lời khai dùng nhục hình
(Dân trí) - Trước lời khai về việc bị ép cung, nhục hình khi lấy lời khai của bị cáo, điều tra viên phủ nhận và cho biết quá trình lấy cung có sự chứng kiến của nhiều người có liên quan khác.
Sáng 23/5, tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Giết người, xem xét đơn kêu oan của bị cáo Vi Văn Phượng (55 tuổi, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).
Đây là lần thứ 4 ông Phượng hầu tòa, sau khi 3 lần bị tuyên án tử hình vì cáo buộc giết mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926). Để phục vụ việc xét xử, tòa đã triệu tập nhiều nhân chứng, người liên quan, trong đó có các điều tra viên trực tiếp lấy hỏi cung bị cáo trong quá trình điều tra.
Bị cáo khai bị dùng nhục hình?
Đứng trước HĐXX do thẩm phán Ngô Tự Học làm chủ tọa, bị cáo Vi Văn Phượng kêu oan, khẳng định bản thân không giết mẹ như cáo buộc. Trong các bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, ông Phượng được xác định là người dùng dao chém chết mẹ vì 1,5 chỉ vàng. Tài sản này theo cơ quan tố tụng là khoản vay giữa 2 mẹ con.
Tại bục khai báo, bị cáo Phượng thừa nhận có vay mẹ 1,5 chỉ vàng, đồng thời cũng xác nhận đã mua trả bà Vui. Tuy nhiên, ông ta nhấn mạnh 1,5 chỉ vàng trên chưa bao giờ là "chủ đề" tranh cãi, mâu thuẫn giữa bị cáo và mẹ.
Trong hồ sơ, các bản khai trong quá trình điều tra ghi nhận ông Phượng thừa nhận giết mẹ. Tuy nhiên, sau đó ông liên tục kêu oan, phủ nhận cáo buộc. HĐXX chất vấn bị cáo về tình tiết này.
Trả lời chủ tọa, bị cáo Phượng nói: "Bị cáo sợ công an nên nhận tội". Đặc biệt, Phượng kể về bị bức cung, dùng nhục hình.
Để đối chất tình tiết này, HĐXX yêu cầu 2 điều tra viên từng trực tiếp hỏi cung bị cáo lên để xét hỏi. Trước tòa, điều tra viên tên Lượng khẳng định không bao giờ sử dụng phương tiện hay lời nói để ép cung hay nhục hình khi hỏi cung.
Ngoài ra, điều tra viên cũng cho biết quá trình lấy cung có sự chứng kiến của nhiều người có liên quan khác, cũng như việc lấy cung được thực hiện nhiều lần, do nhiều điều tra viên chứ không chỉ độc nhất 1 người tiến hành.
Về "diễn biến" các bản lời khai của Phượng, HĐXX xét hỏi điều tra viên về lý do đầu tiên mà Phượng thừa nhận giết mẹ như trong biên bản khai. Tuy nhiên, điều tra viên nói không nhớ, cho rằng toàn bộ nội dung lời khai đã có trong hồ sơ vụ án.
Tiếp tục xét hỏi điều tra viên, đại diện VKS chất vấn lời khai của Phượng về thời điểm giết mẹ thay đổi một cách khó hiểu. Cụ thể, biên bản khai đầu tiên của Phượng thể hiện bị cáo gây án vào khoảng 9h-9h30, nhưng 2 ngày sau, lời khai lại thay đổi là bị cáo sát hại bà Vui lúc 11h hơn.
"Chúng tôi có trách nhiệm ghi các lời khai đảm bảo khách quan", điều tra viên tên Lượng nói và cho biết những lời khai sau là do điều tra viên khác ghi.
Thực nghiệm hiện trường tại... trại tạm giam
Phiên tòa buổi sáng, HĐXX tập trung xét hỏi điều tra viên khi một trong 2 người xin phép được về trước do có việc cá nhân. Sau những chất vấn về quá trình lấy cung, HĐXX yêu cầu điều tra viên làm rõ những tình tiết liên quan đến hiện trường và việc thực nghiệm lại vụ án.
Trước tòa, điều tra viên Lượng xác nhận ông là người trực tiếp đến nơi xảy ra án mạng, thời gian là khoảng sau 12h ngày 5/10/2012, tức là sau khoảng 1 giờ đồng hồ từ khi bà Vui bị giết.
"Với con mắt của điều tra viên, hiện trường khi đó nguyên vẹn", ông Lượng nói. Khi bị hỏi về chiếc áo màu trắng có dính máu được vắt tại thang, điều tra viên này khẳng định vị trí nơi bà Vui bị giết quá xa để máu có thể bắn vào. Theo cáo buộc, Phượng mặc chiếc áo trên trong khi gây án, sau đó cởi ra và vắt lên thang.
Về công tác thực nghiệm lại vụ án, HĐXX đặt câu hỏi về bối cảnh thực hiện, cũng như các chi tiết và người tham gia.
"Tại sao lại thực nghiệm trong trại tạm giam mà không phải ở hiện trường vụ án?", "khi thực nghiệm, các anh có dựng lại khung màn?", "trên nền nhà có nhiều vết máu bắn ra không? Và bắn như nào? Khi thực hiện chém, máu sẽ phun ra trên tường, ra quần áo, ra ngoài nền nhà. Khi thực nghiệm có thực hiện lại không?", HĐXX hỏi điều tra viên Lượng. Tuy nhiên, vị này cho biết công tác thực nghiệm diễn ra khi ông này đã chuyển công tác và không còn thụ lý điều tra vụ án.
Đến lượt của luật sư, HĐXX cho phép người bào chữa cho bị cáo được đề nghị chủ tọa hỏi điều tra viên những tình tiết cần được làm rõ.
Trước tòa, luật sư thắc mắc về việc tại sao các điều tra viên lại không đề xuất, tham mưu trưng cầu giám định vân tay trên con dao gây án. Trả lời, điều tra nói vì không phát hiện dấu vết nào.
Tiếp tục, để chứng minh cho thân chủ mình bị dùng nhục hình, luật sư trích một số bút lục, thể hiện nội dung có 3 người từng ở cùng buồng tạm giam với ông Phượng, khai nhiều lần thấy bị cáo tâm sự là bị oan, đồng thời bị ép cung, dùng nhục hình.
"Để đảm báo tính khách quan, tôi muốn hỏi điều tra viên Lượng có mâu thuẫn gì với 3 người trên không?", luật sư hỏi và nhận câu trả lời "không" từ vị điều tra viên.
Theo cáo buộc, năm 2009, Phượng vay bà Vui đôi bông tai 1,5 chỉ vàng để lo cho con trai và vợ đi xuất khẩu lao động.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cáo buộc, sau nhiều lần bị cụ Vui đòi, thúc giục trả lại vàng, ngày 2/10/2012, Phượng ra tiệm vàng mua một đôi bông tai 1,5 chỉ rồi đưa con trai trả nợ cho cụ Vui.
Hai ngày sau, trong lúc chỉ có hai mẹ con, cụ Vui nghi ngờ nên hỏi Phượng có phải đã mua vàng giả để trả không? Nghe vậy, bị cáo bực tức nên quyết tâm thực hiện ý định giết mẹ. Khoảng 11h15 ngày 5/10/2012, Vi Văn Phượng sau khi đi làm về nhà, đã lấy dao quắm chém nạn nhân tử vong.
Sau đó, bị cáo mang dao đặt vào chỗ cũ, cởi áo dính máu và ngồi hút thuốc trước khi thông báo vụ việc cho mọi người.
Tháng 4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử, tuyên Phượng án tử hình về tội giết người dù bị cáo phản cung và cho rằng, bản thân bị điều tra viên ép cung, dọa bắt hết con cái vào tù nên phải nhận tội.
Tháng 8/2013, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, tuyên y án. Bị cáo Phượng tiếp tục kêu oan, tố bị ép cung.
Hồi tháng 11/2016, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (gồm 14 thành viên do Chánh án Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa) họp phiên giám đốc thẩm, quyết định hủy toàn bộ 2 bản án đã tuyên đối với bị cáo Vi Văn Phượng để điều tra, xét xử lại.
Đến tháng 8/2019, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm lần hai, tiếp tục tuyên phạt bị cáo Vi Văn Phượng hình phạt tử hình về tội Giết người.
Trong Quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đề nghị điều tra lại, làm rõ 7 vấn đề:
1. Làm rõ thời gian các cuộc gọi trong danh sách số điện thoại gọi đi, gọi đến để xác định việc tiêu thụ thời gian của Phượng trong ngày 5/10/2012? Trong khoảng thời gian 9h-10h, bị cáo làm gì, đi đâu, với ai, ai chứng kiến?
2. Yêu cầu cơ quan giám định xác định chính xác thời gian chết của nạn nhân, bao lâu sau thì máu đông và chuyển màu thâm đen?
3. Cần phải thực nghiệm lại việc bị cáo mặc 2 áo trong khi làm việc thì áo bên trong có bị lộ ra ngoài không và người khác có thể nhìn thấy không?
4. Yêu cầu cơ quan giám định giải thích về các vết máu trên đế quạt, cổ áo phía sau là vết máu bắn hay nhỏ giọt?
5. Thực nghiệm việc bị cáo dùng dao quắm chém với lực mạnh như vậy thì mũi quắm của con dao tác động thế nào đến giường và có để lại dấu vết gì trên giường, chiếu không?
6. Làm rõ hơn động cơ, mục đích gây án của bị cáo. Giám định tâm thần đối với bị cáo. Làm rõ lời khai của một người liên quan về sự bức xúc của bị cáo.
7. Làm rõ ai là người đầu tiên đến hiện trường. Cần lấy lời khai của những người hàng xóm để xác định Phượng có hô hào lên không? Làm rõ mối quan hệ giữa Phượng và những người xung quanh, vì không có dấu hiệu của việc giết người, cướp tài sản?. Cần làm rõ thời gian con của Phượng rời nhà và có mặt ở hiện trường khi nào?. Cần làm rõ có sự đánh đập, ép cung, bức cung, nhục hình không?