“Kịch bản lừa” từ “chợ” thẻ ATM, CMND cũ
Chắc hẳn với nhiều người, khi đọc những dòng quảng cáo “Thu mua thẻ ATM, chứng minh nhân dân (CMND) với giá cao” trên mạng xã hội sẽ đặt ra câu hỏi: “Mua những thứ đấy để làm gì?” mà không thể ngờ mình đã vô tình tiếp tay cho âm mưu tội phạm.
Dù cho dù người sử dụng thẻ là bất kỳ ai, nhưng người đăng ký sở hữu thẻ vẫn là người phải chịu mọi trách nhiệm nếu số tiền giao dịch bất hợp pháp. Thực tế diễn ra là…
Câu chuyện thực tế
Khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ 4 đối tượng Bùi Hồ Trúc Giang (SN 1987), Bùi Đức Phương (SN 1983), Lê Thái Xuân (SN 1994) và Trịnh Nguyễn Nhật Cường (SN 1995) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khám xét nhà của các đối tượng, cơ quan chức năng thu nhiều tang vật có liên quan đến các băng nhóm giả cảnh sát lừa đảo qua điện thoại.
Tại CQĐT, Bùi Hồ Trúc Giang khai nhận hành vi phạm tội là lập tài khoản trên mạng xã hội Facebook để thu mua các tài khoản ATM của nhiều người, sau đó giao lại cho anh trai mình để bán cho các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại do những người Đài Loan, Trung Quốc cầm đầu. Từ đây, các nhóm này chỉ đạo những đồng phạm người Việt Nam dùng thiết bị công nghệ cao gọi điện cho nhiều người “dựng… kịch bản” lừa đảo là giả làm nhân viên tổng đài gọi điện thoại bàn đến báo nợ cước số tiền lớn. Khi chủ nhà thắc mắc sẽ được nhóm này “tinh vi” chuyển đến những cơ quan chức năng do chúng giả dạng.
Đường dây tội phạm thường giả là nhân viên Tòa án, Viện kiểm sát, Công an… để “dọa” nạn nhân rằng họ có liên quan đến những đường dây tội phạm và dẫn dụ họ khai những số tiền đang được gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Tiếp đến, nhóm lừa đảo sẽ “thuyết phục” rằng đây là số tiền phi pháp và chủ nhà muốn chứng tỏ trong sạch thì chuyển tiền đến tài khoản của cơ quan điều tra để làm rõ, rồi đưa những số tài khoản mua được cho các nạn nhân. Ngay khi tiền được chuyển, chúng rút ra ngay lập tức. Lê Thái Xuân và Trịnh Nguyễn Nhật Cường khai nhận đã làm và bán thẻ ATM của mình cho Bùi Hồ Trúc Giang với giá 100.000 đồng…
Thẻ ATM - công cụ thu mua để lừa đảo
Và trong nhiều vụ án CQĐT khám phá, bắt giữ các đối tượng lừa đảo, qua khai nhận, thực tế chính chiếc thẻ ATM được thu mua là công cụ để các đối tượng thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và những lời đề nghị, lời rao, lời gợi ý mua lại thẻ ATM nhan nhản khắp các diễn đàn, mạng xã hội, đi kèm với đó là đủ thứ lý do để có thể chiêu dụ người khác.
Lên Facebook và tìm kiếm cụm từ: “Mua thẻ ATM Visa và Master”, “Cần mua thẻ ATM”… Tại các trang này hiện rõ lời rao: “Hiện nay đang có nhu cầu mua một số lượng thẻ rút tiền loại của ACB, Eximbank hoặc một số ngân hàng khác, loại thẻ Visa hoặc Master, giá mỗi thẻ là 100.000 đồng/thẻ. Nếu bạn có nhu cầu hãy để lại phản hồi, nhắn tin hoặc gọi vào số 016265xxxx…”.
Tại trang Facebook “Cần mua thẻ ATM” cũng xuất hiện ngay những chủ tài khoản “ký sinh” với lời gợi ý: “Cần mua thẻ ATM giá cao từ 500.000 đến 1 triệu đồng”… Thật bất ngờ khi số lượng người quan tâm đến nội dung này lên đến hàng nghìn like (thích) và hàng trăm phản hồi, liên lạc để bán lại thẻ: giá cả, ở tỉnh thành nào, giao dịch tại đâu… rất nhộn nhịp, người thì có 3 thẻ ATM, người thì có 5 thẻ ATM được “điểm danh” ở tất cả các ngân hàng. Có người nhắn: “Mình có 2 thẻ ATM không sử dụng, giá cả thế nào?”; “Mình có vài thẻ ATM vẫn chưa đổi mã pin; có nhu cầu thì liên hệ để mua lại nhé”; “Tôi có thẻ mà không sử dụng, để không cũng phí, thôi thì bán đi lại được tiền”.
Thực tế thẻ ATM hiện rất phổ biến và được đông đảo người dùng một cách rộng rãi, trong đó tập trung rất nhiều ở giới trẻ; và cũng có người làm thẻ nhưng chẳng bao giờ sử dụng. Lợi dụng điều này, một số kẻ lừa đảo tìm mua lại thẻ ATM của bất kỳ ngân hàng nào không dùng đến, thẻ không có tiền trong tài khoản, thẻ chưa được kích hoạt (đổi mã pin) càng tiện để thực hiện hành vi lừa đảo.
Đối tượng thu mua thẻ ATM thường “nhắm” đến các bạn sinh viên, những người chưa có nhiều kiến thức về các hành vi lừa đảo tài chính, cần tiền thấy được giá nên bán thẻ ATM chưa hoặc không còn dùng đến.
Ngoài mạng xã hội Facebook thì rất nhiều diễn đàn cũng ẩn hiện các lời rao gợi ý mua lại thẻ ATM mọi người không có nhu cầu sử dụng, hay chỉ còn 50.000 đồng tiền duy trì thẻ với mức giá đề nghị mua dao động từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng/thẻ ATM. Với những người có thẻ ATM và có ý định bán đi nhưng đang còn thắc mắc: “Không biết bán thẻ đi có ảnh hưởng gì đến bản thân không” thì người mua lập tức trấn an bằng cách khẳng định: “Đảm bảo là sẽ không có liên quan gì đến chủ thẻ cả”…
Dễ dàng trong việc làm thẻ ATM
Là điều kiện để tội phạm lợi dụng đơn giản bởi các ngân hàng luôn mong muốn thu hút khách hàng tham gia mở thẻ; có ngân hàng chỉ cần xuất trình CMND bản gốc, nộp bản photo CMND cùng lệ phí là bất kỳ ai cũng có thể sở hữu tấm thẻ ATM một cách nhanh chóng - tiện lợi - chi phí thấp. Và khâu kiểm tra CMND hoàn toàn thủ công, phụ thuộc vào cảm quan của nhân viên ngân hàng là kẽ hở để đối tượng phạm tội lợi dụng.
Ngoài việc thu mua thẻ ATM trên mạng, có thời điểm cũng có khá nhiều lời rao mua CMND, rồi có cả đường dây cho thuê CMND; ngoài ra với công nghệ hiện đại như hiện nay, bọn tội phạm cũng không quá khó để làm giả CMND mà với mắt thường của nhân viên ngân hàng khó có thể phát hiện ra mà phải có công cụ hỗ trợ đặc biệt.
Với những CMND thu mua được, đối tượng phạm tội có thể tách ảnh, chèn ảnh rồi sử dụng thiết bị ép lại và thản nhiên đi làm thẻ ATM dưới một lý lịch khác. Mỗi giấy tờ giả lọt là xuất hiện một chiếc thẻ ATM dưới một địa chỉ “ma”, sau đó những chiếc thẻ ATM trở thành công cụ nhận, chuyển, rút và chiếm đoạt tiền lừa đảo của nhiều người bị hại.
Mới đây nhất ngày 30-4-2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP.HCM đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp với Võ Quốc Phương (22 tuổi), ở tỉnh Quảng Nam và Phạm Quốc Dũng (26 tuổi), ở tỉnh Quảng Ngãi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra cho thấy, băng nhóm do Lê Văn Pháp, Nguyễn Thị Phương, Phạm Nguyễn Minh Tài, cùng ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam đã sử dụng 1 website để lừa đảo thông qua việc nhắn tin trúng thưởng. Và Võ Quốc Phương là 1 trong những đối tượng cung cấp tài khoản thẻ ATM cho nhóm của Lê Văn Pháp sử dụng làm công cụ để chiếm đoạt tiền lửa đảo.
Tại CQĐT, Nguyễn Thị Phương khai nhận đã 3 lần cung cấp thẻ ATM cho Lê Văn Pháp. Thủ đoạn của các đối tượng là gửi tin nhắn trên điện thoại đi động đến nhiều người thông báo họ đã trúng thưởng, yêu cầu phải nạp thẻ cào điện thoại và chuyển tiền đóng phí vận chuyển quả tặng, phí tổ chức lễ trao thưởng qua những tài khoản được chỉ định, sau đó lập tức rút ra chiếm đoạt.
Tương tự, Phạm Quốc Dũng cũng đi thu gom thẻ ATM rồi cung cấp số lượng lớn cho nhóm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Trước đó, ngày 4-3-2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận đã bắt quả tang đối tượng Nicolas Nguyễn (SN 1984) sử dụng thẻ ATM giả rút tiền. Kiểm tra người đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 13 thẻ ATM giả các loại, khám xét khẩn cấp nơi ở thu giữ thêm 3 thẻ ATM…
Không tiếp tay cho tội phạm
Dịch vụ thanh toán bằng thẻ ATM ngày càng phổ biến, công nghệ lấy cắp thông tin rồi làm thẻ giả để rút tiền của bọn tội phạm cũng rất tinh vi; cộng thêm việc bằng nhiều cách để thu mua, sản xuất, làm thẻ ATM, nên số vụ việc liên quan tới thẻ ATM đã được phát hiện, khám phá tại Việt Nam, trong đó tội phạm gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam vẫn diễn ra.
Những thủ đoạn phổ biến của tội phạm là: Làm giả thẻ ATM, dùng các website giả hoặc giả mạo nhân viên ngân hàng gửi mail yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin, hoặc gắn các thiết bị đọc băng từ của thẻ trên các máy ATM để lấy thông tin của người dùng, sau đó chuyển sang thẻ trắng rồi thực hiện lấy tiền trong tài khoản; hoặc giả danh cảnh sát nói với nạn nhân rằng tiền trong tài khoản tiết kiệm là tiền phi pháp, đối tượng yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ATM để điều tra thực tế là chuyển tiền vào chính thẻ ATM thu mua hoặc làm giả mà đối tượng đang sở hữu, khi nhận được tiền, đối tượng lập tức rút ra mà nạn nhân vẫn nghĩ rằng CQĐT đang điều tra để chứng minh bản thân không phạm pháp. Không ít vụ khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra thì chủ thẻ lại là những người đã bán thẻ ATM của mình cho người khác với giá vài trăm nghìn đồng.
Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những đề nghị thu mua thẻ ATM, CMND trên mạng; không tiếp tay cho tội phạm qua việc mở tài khoản ATM hộ hoặc mua bán các loại thẻ ATM của mình cho người khác để ngăn chặn hành vi phạm tội đồng thời là tránh rủi ro cho bản thân. Có thể người dân chưa hiểu hết chiêu trò tinh vi của bọn tội phạm nhưng bất cứ những thứ gì mang tên chủ sở hữu, do bản thân quản lý thì không tùy tiện bán cho người lạ. Nếu như không có nhu cầu sử dụng thì liên hệ ngân hàng hủy hoặc khóa thẻ, chứ tuyệt đối không bán lại thẻ ATM.
Ở một khía cạnh khác, không ít người với suy nghĩ không dùng thẻ ATM thì bán, vừa có tiền mà chẳng ảnh hưởng đến ai mà không hề biết mọi giao dịch nộp tiền, rút tiền bất hợp pháp, có dấu hiệu rửa tiền thì dù người cầm thẻ là ai, nhưng người sở hữu thẻ - là người đăng ký vẫn là người phải chịu trách nhiệm nếu số tiền giao dịch bất hợp pháp. Thẻ ATM của người nào đăng ký thì chính là tài sản của người đó. Lợi dụng điều này, những đối tượng nhằm thực hiện hành vi phạm tội thường mua lại thẻ ATM để thực hiện các giao dịch bất chính.
Chính vì vậy tuyệt đối không bán thẻ ATM được làm ra với mục đích giao dịch thông qua ngân hàng mà chủ sở hữu thẻ đã đăng ký. Dù có sử dụng thẻ hay không, trên thực tế, thẻ đó đã được cấp cho chính người đăng ký. Khi thẻ ATM có dấu hiệu chuyển tiền, giao dịch bất hợp pháp thì chủ thẻ phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan chức năng phát hiện thì cũng chỉ truy tìm chủ thẻ chứ khó thể biết ai là người trực tiếp thực hiện giao dịch.
Theo Quân.Trần
An ninh thủ đô