Kịch bản lừa đảo để bắt cóc học sinh, tống tiền hàng trăm triệu đồng

Hoàng Dũng

(Dân trí) - Công an Quảng Ninh liên tiếp ngăn chặn 2 vụ lừa đảo bằng chiêu giả bắt cóc, quay video, gọi điện đe dọa người thân nạn nhân nhằm chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Chưa đầy một tuần, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện, ngăn chặn kịp thời 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả bắt cóc tinh vi.

Khoảng 15h30 ngày 15/7, đơn vị tiếp nhận tin báo của gia đình chị N.T.L. (trú tại phường Hồng Gai, tỉnh Quảng Ninh), về việc con trai là cháu H.Đ.M. bị bắt cóc.

Các đối tượng yêu cầu chuyển 300 triệu đồng để chuộc người, đồng thời gọi video qua Zalo, gửi hình ảnh cháu M. bị giữ kèm lời đe dọa. Đến khoảng 18h cùng ngày, cháu M. được tìm thấy và đưa về gia đình an toàn.

Kịch bản lừa đảo để bắt cóc học sinh, tống tiền hàng trăm triệu đồng - 1

Đối tượng giả danh cơ quan chức năng (Ảnh: Công an cung cấp).

Tiếp đó, khoảng 11h30 ngày 21/7, anh N.T.T. (ở phường Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh) nhận tin nhắn từ tài khoản Zalo của con gái là N.H.M. (sinh viên đại học tại Hà Nội), báo bị bắt cóc.

Các đối tượng yêu cầu chuyển 370 triệu đồng để chuộc người. Gia đình anh liên tục nhận các cuộc gọi lạ chửi bới, đe dọa, trong khi không thể liên lạc được với cháu M. Đến 13h cùng ngày, lực lượng trinh sát đã tìm thấy cháu tại một nhà nghỉ ở Hà Nội và bàn giao cho gia đình.

Theo công an, cả 2 vụ đều có phương thức giống nhau. Các đối tượng giả danh cơ quan chức năng, gọi điện thông báo người bị hại được học bổng du học để lấy thông tin cá nhân, sau đó tiếp tục liên hệ với nội dung bị liên quan đến vụ án rửa tiền, ma túy và yêu cầu "hợp tác điều tra".

Các đối tượng dẫn dụ nạn nhân vào cuộc họp Zoom có tài khoản tên “Bộ Công an” và “Viện Kiểm sát”, yêu cầu chia sẻ màn hình điện thoại, gửi ảnh lệnh bắt giữ, lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng, yêu cầu thuê phòng nghỉ và không liên hệ với gia đình. Chúng sau đó quay video dàn dựng vụ bắt cóc rồi gọi điện đe dọa người thân để đòi tiền chuộc.

Phòng Cảnh sát hình sự nhận định thủ đoạn lừa đảo giả bắt cóc học sinh, sinh viên đang gia tăng và ngày càng tinh vi. Người dân cần tuyệt đối bình tĩnh khi nhận thông tin bất thường, không vội chuyển tiền khi chưa xác minh rõ, đồng thời báo ngay cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.

Đơn vị cũng đề nghị chính quyền, nhà trường và phụ huynh tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nâng cao cảnh giác, không chia sẻ mã OTP hay thông tin tài khoản cá nhân cho bất kỳ ai.