1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Không đủ cơ sở phân chia hơn 2 nghìn tỉ đồng của vợ chồng chủ Trung Nguyên

(Dân trí) - Theo đại diện Viện KSND TPHCM, việc phân chia phần tài sản có giá trị 2.109 tỉ đồng chưa bảo đảm tố tụng, tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Do đó, cơ quan chức năng chưa có cơ sở vững chắc giải quyết vấn đề này.

Ngày 26/2, phiên xử vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) đã bước vào phần nghị án.

Ông Vũ và bà Thảo sẽ nhận lại bao nhiêu tài sản?

Trước khi HĐXX vào nghị án, đại diện Viện KSND TPHCM đã phát biểu quan điểm về vụ án. Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX giải quyết ly hôn theo nguyện vọng của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Không đủ cơ sở phân chia hơn 2 nghìn tỉ đồng của vợ chồng chủ Trung Nguyên - 1

Viện kiểm sát đề nghị cho vợ chồng Trung Nguyên ly hôn.

Viện kiểm sát đề nghị giao 4 con chung cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo nuôi dưỡng theo nguyện vọng của những người con, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 con, từ năm 2013 đến khi các con của ông Vũ, bà Thảo học xong đại học.

Về tài sản, trong đó có số tiền 2.109 tỉ đồng, Viện kiểm sát phân tích, bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ phản tố đòi phân chia khoản tiền này nhưng chưa tuân thủ quy định về thủ tục tố tụng và HĐXX chưa thu thập đủ chứng cứ nên không đủ cơ sở vững chắc để giải quyết.

Về 13 bất động sản chung, theo Viện kiểm sát, do hai bên đã thống nhất về giá trị khoảng 725 tỉ đồng và cách chia, mỗi bên hưởng 50%.

Không đủ cơ sở phân chia hơn 2 nghìn tỉ đồng của vợ chồng chủ Trung Nguyên - 2

Theo đại diện Viện kiểm sát, bà Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không chứng minh được.

Theo đại diện Viện kiểm sát, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp năm 1996, khi đó giấy phép kinh doanh cấp cho cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh. Năm 1998 ông Vũ và bà Thảo kết hôn.

Kể từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, ông Vũ luôn nắm giữ vai trò điều hành ở hầu hết các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên trên cương vị là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật cả 7 công ty nêu trên. Nhãn hiệu Trung Nguyên được đăng ký từ năm 2003 và khởi nguồn từ tên gọi Trung Nguyên cà phê do ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp, sáng lập.

Không đủ cơ sở phân chia hơn 2 nghìn tỉ đồng của vợ chồng chủ Trung Nguyên - 3

Cũng theo Viện kiểm sát, ông Vũ là người sáng lập Trung Nguyên.

Đồng thời, Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX xét công sức bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo đó, sau khi kết hôn, sinh con, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa chăm sóc con cái vừa hoạt động kinh doanh và là cổ đông của các công ty từ năm 2006 đến nay, được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực từ năm 2006 - 2014. Vì vậy, cần phân chia tỷ lệ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi các bên và không ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty.

Án phí được tính ra sao?

Với tổng giá trị tài sản chung các bên có sự khác nhau, vậy cách tính án phí trong việc tranh chấp hôn nhân sẽ được giải quyết ra sao?

Luật sư Hoàng Hữu Nhân (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết án phí trong vụ án hôn nhân gia đình sẽ căn cứ vào danh mục án phí tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộ khóa 14, để tính.

Không đủ cơ sở phân chia hơn 2 nghìn tỉ đồng của vợ chồng chủ Trung Nguyên - 4

Về án phí sẽ được tính theo số tài sản ông Vũ và bà Thảo được nhận.

Về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân gia đình, LS Nhân cho hay khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326 quy định các đương sự có tranh chấp việc chia tài sản chung của vợ chồng, thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm hôn nhân gia đình 300.000 đồng, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp mà họ được chia theo phán quyết của tòa.

“Như vậy, sau này khi HĐXX tuyên ông Vũ, bà Thảo được hưởng bao nhiêu trong khối tài sản chung, thì các bên phải có nghĩa vụ chịu án phí dựa trên tài sản được hưởng”, luật sư Nhân cho biết.

“Đồng thời, án phí đối với tranh chấp tài sản về hôn nhân và gia đình, sẽ tùy vào giá trị để có mức thu cụ thể. Trong việc tranh chấp hôn nhân của vợ chồng Trung Nguyên, vì giá trị tài sản của họ đều từ trên 4 tỉ đồng, nên mức thu sẽ được tính: 112 triệu đồng (căn cứ danh mục án phí tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14) + 0,1% (tỷ lệ tăng thêm) của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng”, luật sư Nhân phân tích.

Ngày 1/3, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ án.

Xuân Duy