1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Không cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự có thể bị phạt tù

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo thạc sĩ Huỳnh Thị Nam Hải, hành vi không cung cấp chứng cứ tài liệu theo yêu cầu của tòa án trong tố tụng dân sự có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật, đã có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo "Hướng tới hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015" diễn ra vào sáng 12/6.

Bà Nam Hải cho biết, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ thông qua các biện pháp như tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử…

Đương sự còn có thể đề nghị tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu trữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình, nhằm đảm bảo quá trình giải quyết vụ án dân sự đúng đắn.

Không cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự có thể bị phạt tù - 1

Từ trái sang: bà Ung Thị Xuân Hương (nguyên Chánh án TAND TPHCM), PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện, PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Nhung điều phối hội thảo (Ảnh: Ban tổ chức).

Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ

Bà Nam Hải trình bày: "Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự."

Theo đó, hành vi không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng (với tổ chức mức phạt sẽ gấp đôi).

Bà Nam Hải cũng cho biết, hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án trong tố tụng dân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 383 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Người có hành vi này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Không cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự có thể bị phạt tù - 2

Cô Nam Hải trình bày vấn đề (Ảnh: Ban tổ chức).

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, hiện nay nhiều vụ án dân sự bị kéo dài do các đương sự không thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ và mức xử phạt hành chính còn thấp.

Giải đáp thắc mắc này, PGS. Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, theo quy định pháp luật hiện hành, ngoài chế tài về hành chính, người vi phạm, không cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án trong tố tụng dân sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần xây dựng thủ tục giải quyết các vụ kiện tập thể

Ông Nguyễn Huy Hoàng, thẩm phán TAND thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa, cho biết, trừ các quy định về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại Bộ luật Lao động năm 2019, pháp luật tố tụng dân sự tại Việt Nam chưa có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể và đại diện theo pháp luật trong vụ kiện tập thể.

Không cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự có thể bị phạt tù - 3

Ông Hoàng trình bày tham luận (Ảnh: Ban tổ chức).

Thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm với số lượng bị hại lớn như vụ Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, vụ lừa đảo tại Công ty CP địa ốc Alibaba với hơn 4.500 bị hại.

Tranh chấp dân sự liên quan đến dự án nhà ở trên cả nước với số lượng nguyên đơn cùng kiện một chủ thể, một loại hợp đồng và nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng hàng hóa, ô nhiễm môi trường.

Hợp nhất nhiều vụ kiện hoặc một vụ kiện nhiều nguyên đơn thành một vụ kiện sẽ tránh được các thủ tục tố tụng lặp đi lặp lại không cần thiết, tránh khả năng đưa ra các quyết định không nhất quán về cùng một vấn đề trong các thủ tục tố tụng khác nhau.

Bằng cách tổng hợp tất cả các yêu cầu của nguyên đơn trong một thủ tục tố tụng, bị đơn có thể đạt được kết quả cuối cùng đối với tất cả các hành động trong tương lai, thay vì phải tuân thủ một số vụ kiện lặp đi lặp lại.

Nhờ vậy, bị đơn có thể yên tâm cho công việc và kinh doanh thay vì theo đuổi các vụ kiện nhỏ lẻ, mất thời gian, công sức.

Các vụ kiện tập thể mang tới một sự đại diện công bằng trong xã hội, nhất là đại diện cho những chủ thể yếu thế, không đủ điều kiện khởi kiện để tự bảo vệ mình. Người dân có khả năng tiếp cận hệ thống pháp luật dễ dàng hơn.

Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, cần phải xây dựng quy định pháp luật tố tụng về thủ tục giải quyết các vụ kiện tập thể, đầu tiên phải ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự về phương thức đại diện đặc biệt này. Trước mắt xây dựng trình tự, thủ tục đại diện cho các tranh chấp điển hình như chứng khoán, tiêu dùng, môi trường.