1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Không chấp hành án quản chế, dùng gậy đánh công an

(Dân trí) - Sau khi chấp hành xong án phạt tù, Nguyễn Văn Oai nhiều lần không đến chính quyền trình diện theo quy định. Khi cơ quan chức năng có mặt để kiểm danh, kiểm diện và gửi thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án quản chế, Nguyễn Văn Oai chửi bới, xé giấy thông báo và dùng gậy đánh một cán bộ công an.

Công tác đảm bảo an ninh cho phiên tòa được thắt chặt với sự tham gia của hàng trăm cán bộ chiến sỹ cảnh sát thuộc nhiều lực lượng
Công tác đảm bảo an ninh cho phiên tòa được thắt chặt với sự tham gia của hàng trăm cán bộ chiến sỹ cảnh sát thuộc nhiều lực lượng

Sáng ngày 18/9, tại trụ sở TAND tỉnh, TAND thị xã Hoàng Mai mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử bị cáo Nguyễn Văn Oai (SN 1981, trú xóm 4, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) về tội “Chống người thi hành công vụ” và “Không chấp hành án”.

An ninh phiên tòa được thắt chặt với sự tham gia bảo vệ của hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An, Công an Tp Vinh, Công an thị xã Hoàng Mai...

Theo cáo trạng của Viện KSND thị xã Hoàng Mai, năm 2012, Nguyễn Văn Oai bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 4 năm tù (thời hạn tù tính từ ngày 2/8/2011) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và 4 năm quản chế, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Ngày 2/8/2015, Nguyễn Văn Oai chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, sau khi ra tù Nguyễn Văn Oai không thực hiện nghĩa vụ mỗi tháng một lần (vào tuần đầu của tháng) đến trình diện và báo cáo với UBND xã Quỳnh Vinh theo quy định của Luật thi hành án Hình sự mà không có lý do.

Nguyễn Văn Oai tại phiên tòa hình sự sơ thẩm sáng ngày 18/9
Nguyễn Văn Oai tại phiên tòa hình sự sơ thẩm sáng ngày 18/9

Ban công an xã Quỳnh Vinh đã lập 18 biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ chấp hành án đối với Nguyễn Văn Oai, 2 lần trực tiếp đến giải thích, thuyết phục. Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh ban hành 3 bản thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thi hành án quản chế và 14 lần ký giấy triệu tập Oai đến UBND xã để thực hiện nghĩa vụ thi hành án quản chế nhưng Nguyễn Văn Oai không nhận,không chấp hành. Nguyễn Văn Oai đã ít nhất 2 lần tự ý đi khỏi nơi quản chế.

Cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, 3 lần đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,5 triệu đồng/lần nhưng Nguyễn Văn Oai vẫn cố ý không chấp hành với thái độ thách thức, chống đối quyết liệt.

Khoảng 16h ngày 1/9/2016, tổ công tác do Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an thị xã Hoàng Mai làm tổ trưởng cùng 2 cán bộ Công an tỉnh Nghệ An mặc thường phục và 2 cán bộ Ban công an xã Quỳnh Vinh trực tiếp đến nhà Nguyễn Văn Oai để kiểm danh, kiểm diện và gửi thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án quản chế.

Mặc dù biết đó là những người đang thi hành công vụ nhưng Nguyễn Văn Oai chửi bới, sử dụng vũ lực, dùng gậy đánh 1 cán bộ Công an tỉnh Nghệ An, xé giấy thông báo của chính quyền và có thủ đoạn hô hoán nhằm huy động người xung quanh đến gây áp lực làm cho tổ công tác không thực hiện được nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Văn Oai bị bắt giam và truy tố ra trước pháp luật tội “Không chấp hành án” và “Chống người thi hành công vụ”.

Toàn cảnh phiên xét xử Nguyễn Văn Oai
Toàn cảnh phiên xét xử Nguyễn Văn Oai

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Oai không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử đã công bố băng video ghi lại hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Oai để làm chứng cứ.

Căn cứ vào các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, lời khai các nhân chứng và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, HĐXX khẳng định việc Viện KSND cùng cấp truy tố Nguyễn Văn Oai ra trước pháp luật với 2 tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

HĐXX TAND thị xã Hoàng Mai tuyên phạt Nguyễn Văn Oai 3 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, 2 năm tù về tội “Không chấp hành án”. Tổng hợp hai tội danh, Nguyễn Văn Oai phải chấp hành án phạt 5 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị tạm giam (19/1/2017). Ngoài ra, Nguyễn Văn Oai phải chấp hành án phạt bổ sung 4 năm quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú chưa thi hành của bản án trước.

Vĩnh Khang