Khi người bán hàng online trở thành "con mồi" của tội phạm lừa đảo
Có vô vàn những mánh lới, chiêu thức lừa đảo mua bán qua mạng của người bán, những cũng có rất nhiều người kinh doanh chân chính đang trở thành “con mồi” béo bở của tội phạm lừa đảo.
Khách hàng “xù” tiền sau khi nhận hàng
Mới đây, anh Tạ Hữu Phương, SN 1989, trú ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nick name facbook là “Hữu Phương” đã chia sẻ thông tin cảnh báo về việc anh bị một khách hàng “xù” tiền sau khi mua cây cảnh.
Theo như anh Phương chia sẻ, facebook có nick name “Thất Tình”; tên thật là Phạm Xuân Quỳnh, trú tại Nan Khê, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, số điện thoại 09041541xx, có đặt mua qua facebook của anh 14 cây đai châu Thái lá mít, trị giá 1,4 triệu đồng. Do tin tưởng là người lớn tuổi, đàng hoàng nên anh đã đồng ý chuyển hàng cho người này trước và nhận tiền sau. Nhưng sau khi nhận được hàng thì người này đã không chuyển tiền trả anh Phương.
Chia sẻ với phóng viên, anh Phương cho biết: “Tôi gọi điện hỏi thì họ nói đã chuyển rồi. Tôi yêu cầu gửi biên lai kiểm tra xem có sai thông tin gì không thì lại gửi cho tôi 2 tấm hình bé gái đang trong bệnh viện và không nói gì, ý là người nhà đang đi viện. Tôi cũng thông cảm. Đến hôm sau tôi gọi hàng chục cuộc điện thoại mà họ không nghe máy, nhắn tin không trả lời, trong khi đó facebook vẫn ở chế độ “online”.
Đồng cảm với anh Phương, anh Long, chủ một shop online bán cây cảnh chia sẻ: “Lừa đảo qua mạng bây giờ không khác gì bệnh dịch. Chỉ riêng trong phạm vi hội chơi hoa Lan thôi, mà hầu như ngày nào cũng có người chơi bị lừa. Có những người bị lừa tới hàng trăm triệu đồng. Có người do nhẹ dạ cả tin, có người thì giao dịch đôi ba lần thanh toán rất sòng phẳng, rồi yên tâm giao dịch những đơn hàng lớn hơn là bị mắc lừa”.
Thường thì nguyên tắc của những người bán hàng online đưa ra là người mua phải chuyển khoản trước rồi mới chuyển hàng, tuy nhiên nhiều người bán hàng vì lý do nào đó họ đặt niềm tin ở khách hàng, đồng ý chuyển hàng trước, nhận tiền sau nên đã bị lừa.
Trong một tình huống khác, chị Thảo, một chủ shop quần áo trên facebook ngậm ngùi chia sẻ về tình huống không biết kêu ai khi mất 3 chiếc váy. Khách hàng đặt 1 chiếc và yêu cầu chủ shop mang theo 2, 3 chiếc nữa để thử, ưng cái nào nhất sẽ lấy, nếu đẹp thì lấy hết luôn. Sau khi ship hàng đến những địa điểm theo yêu cầu, khách xin cầm tất cả đi thử rồi rồi lặn mất tăm. Mọi liên hệ từ điện thoại chỉ là SIM rác.
Nhiều đối tượng lừa đảo mua qua mạng đã bị bắt giữ
Tình trạng lừa đảo qua mạng luôn có nguy cơ xảy ra đối với cả người mua và người bán. Theo số liệu thống kê của Đội Điều tra tổng hợp – CAQ Đống Đa, Hà Nội, chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, đội đã đề xuất Viện Kiểm sát quận Đống Đa khởi tố gần 30 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mua bán trên mạng xã hội.
Một số vụ điển hình cơ quan điều tra đã phát hiện, xử lý như: Ngày 26-5-2016, CAP Phương Mai, quận Đống Đa, tiếp nhận và xử lý vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng là 2 chiếc đàn Organ Yamaha, trị giá hơn 60 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 23-4-2015, đối tượng Dương Quốc Chính, SN 1982, ở Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, sau khi xem đàn Organ của cửa hàng nhạc cụ TL quảng cáo trên mạng liền nảy sinh ý định lừa đảo. Đối tượng gọi điện đến cửa hàng theo số điện thoại đăng trên mạng rồi tự xưng tên là Hải, đang là cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, đặt mua 1 chiếc đàn Organ Yamaha, trị giá 32 triệu đồng để phục vụ chương trình biểu diễn văn nghệ của bệnh viện. Hải hẹn chiều cùng ngày sẽ nhận đàn trước sảnh khoa khám bệnh của bệnh viện.
Khi nhân viên cửa hàng mang đàn đến, Chính bảo nhân viên đưa chứng minh thư nhân dân để Chính đi làm thủ tục thanh toán, đồng thời bảo vị nhân viên giao đàn đi gửi xe, để đàn lại anh ta trông giúp. Thừa lúc, nhân viên giao đàn đi gửi xe, Chính ôm đàn “chuồn” mất.
Ngày 25-5, với thủ đoạn tương tự như trên, Chính lừa mua 1 chiếc đàn Organ Yamaha tại một cửa hàng bán đàn ở Văn Quán, Hà Đông thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.
Hay vụ việc gần đây nhất là cuối tháng 12-2016, Công an quận Đống Đa, Hà Nội điều tra xử lý vụ lừa đảo mua bán điện thoại qua mạng, chiếm đoạt 140 triệu đồng.
Đối tượng Đoàn Ngọc Gia (SN 1993, quê ở Thanh Hoá) mua điện thoại Trung Quốc nhái Samsung Galaxy S7 với giá 2,2 triệu đồng trên mạng. Sau đó Gia vào siêu thị điện máy HC mua điện thoại Samsung Galaxy S7 chính hãng với giá tiền gần 20 triệu đồng, đem về bóc tách điện thoại Samsung nhái cho vào hộp vỏ điện thoại chính hãng, dán lại tem, vỏ nilon rồi nhờ một đối tượng rao bán trên mạng với giá 13 triệu đồng.
Thấy vụ việc trên dễ kiếm tiền, Gia rủ thêm Đỗ Thị Ngân (Sn 1988, trú tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) cùng tham gia. Với thủ đoạn tương tự, Gia và Ngân đã lừa bán thêm 3 chiếc điện thoại Iphone giả, tổng số tiền 59 triệu đồng cho một người tên D.
Tuy nhiên, hành vi lừa đảo của 2 đối tượng cuối cùng cũng bị phát giác. Một nạn nhân đã trình báo cơ quan công an, đối tượng lừa đảo đã bị bắt và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Thiếu tá Phan Anh Tú, Đội trưởng đội Điều tra Tổng hợp – CAQ Đống Đa, Hà Nội cho biết, hiện nay mạng xã hội được chúng ta đón nhận và sử dụng như một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Kinh doanh buôn bán trên các trang mạng xã hội giúp cho chúng ta nhanh chóng tiếp cận với nhau để thỏa thuận mua bán các mặt hàng. Tuy nhiên việc mua bán qua mạng cũng gặp nhiều khó khăn vì người mua và người bán thường không biết mặt nhau; chất lượng của hàng hoá không đúng như những sản phẩm quảng cáo đăng trên mạng; địa điểm giao nhận hàng thường không cố định tại địa điểm nào đó an toàn và có sự giám sát…
Việc đăng ký tên các tài khoản thường không đúng sự thật, khó kiểm tra xác minh và chủ tài khoản. Người mua và người bán có thể lừa lẫn nhau, không cố định đối tượng nào. Các đối tượng lừa đảo thường nảy sinh ý định từ trước và có thời gian lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi phạm tội.
Khi thực hiện hành vi phạm tội các đối tượng “được chủ động” đưa người bị hại đến những địa điểm là các cơ quan tổ chức có uy tín sau đó xuất hiện từ trong các cơ quan này ra gặp người bị hại để họ tin là thật mặt trao tài sản. Việc xác minh truy bắt các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đối với việc mua bán tài sản trên mạng chúng ta cần phải cảnh giác, yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ tài sản là "sự chủ động" của chính chúng ta.
Theo P.Hà
An ninh thủ đô