Khi lính lái xe tham gia "đánh án"

Những cuộc rượt bắt tội phạm ngoạn mục, những lần rong ruổi trên những cung đường hiểm nguy để truy lùng tung tích tội phạm, thậm chí trực tiếp bắt những đối tượng nguy hiểm, sừng sỏ… chỉ có những chiến sĩ Công an lái xe mới làm được điều ấy.

Quả thật, nếu không được giới thiệu, không được trực tiếp nghe những người lính lái xe của Công an tỉnh Thái Nguyên kể lại những lần trực tiếp tham gia "đánh án" cùng các lực lượng Cảnh sát, chắc chúng tôi cũng chẳng bao giờ hình dung ra được những khó khăn, vất vả và hiểm nguy mà những người lính lái xe phải đối mặt.

Thượng úy Trần Khắc Tuấn, Đội phó Đội xe chia sẻ: Là đơn vị trực tiếp phục vụ lái xe cho các đơn vị đi chiến đấu và các công tác khác của Công an tỉnh nên các cán bộ chiến sĩ của Đội xe lúc nào cũng phải trực chiến 100%. Khi có lệnh đột xuất, bất kể ngày hay đêm, sớm hay muộn, các anh đều phải lên đường. Hầu như các anh chẳng bao giờ có ngày nghỉ lễ,

Tết trọn vẹn bên gia đình người thân, bởi càng những ngày ấy, tình hình an ninh trật tự diễn ra càng phức tạp, lực lượng chiến đấu sẽ phải lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào, vì thế anh em Đội xe cũng phải trực chiến 24/24h. Khi tham gia các chuyên án lớn, những người lính lái xe luôn phải có tác phong nhanh chóng, kịp thời, khẩn trương và nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo được tính bí mật và an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia chuyên án.

Hai đối tượng bị bắt trong chuyên án bắt giữ 200 bánh heroin.
Hai đối tượng bị bắt trong chuyên án bắt giữ 200 bánh heroin.

17 năm gắn bó với Đội xe, Thượng úy Trần Khắc Tuấn không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu chuyên án cùng các lực lượng chiến đấu, nhưng kỉ niệm về chuyến công tác Tây Nguyên cùng 3 trinh sát truy nã khiến anh nhớ mãi. Chuyến đi ấy kéo dài gần 1 tháng, rong ruổi qua biết bao tỉnh thành và thành quả thu về không nhỏ là bắt được 9 đối tượng truy nã, trong đó có 2 đối tượng nữ. Hồi ấy chưa có xe đặc chủng chở phạm như bây giờ, 4 anh em đi chiếc xe 12 chỗ từ Thái Nguyên vào Tây Nguyên.

Bắt được đối tượng đã khó nhưng dẫn giải đối tượng về Thái Nguyên đảm bảo an toàn tuyệt đối lại càng khó khăn hơn. Chỉ có 3 trinh sát nhưng có tới 9 đối tượng nên Thượng úy Trần Khắc Tuấn cũng trực tiếp tham gia việc dẫn giải, trông coi đối tượng. Chiếc xe 12 chỗ ngồi chật cứng, dù các đối tượng đều bị khóa tay, nhưng vẫn đầy rủi ro. Cơm nước các anh phải phục vụ tận nơi, đi vệ sinh cũng phải đi theo. Ngủ không dám ngủ, lúc nào cũng phải để mắt trông coi.

Nhớ lại chuyên án đi bắt một đối tượng buôn bán ma túy ở Nóng Luông, Mộc Châu, Sơn La, anh vẫn còn xúc động. Nóng Luông được mệnh danh là "boong ke" nguy hiểm nhất của Sơn La. Cả bản từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông đều buôn ma túy, các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả quyết liệt nên bên ngoài khó có thể xâm phạm vào.

Chiếc xe tang vật vụ án.
Chiếc xe tang vật vụ án.

Khi các trinh sát của Công an tỉnh Thái Nguyên lên Mộc Châu, xin phối hợp với Công an tỉnh Sơn La truy bắt đối tượng, xác định mức độ nguy hiểm của Nóng Luông, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La điều thêm quân trợ giúp Công an Thái Nguyên và lệnh 4h sáng vào truy bắt đối tượng, dù bắt được hay không cũng  rút ra trước khi trời sáng. Chuyến đi ấy, anh em trinh sát Thái Nguyên không bắt được đối tượng nhưng cũng có một pha thót tim khi lái xe vào khu vực bản ma túy nguy hiểm nhất của Sơn La.

Nếu như lính hình sự, truy nã… phải ăn bờ ở bụi, nhịn đói, nhịn khát, đối mặt với muôn vàn hiểm nguy để truy bắt tội phạm thì lính lái xe cũng chẳng khác gì, bởi nhiệm vụ của họ là lái xe chở các trinh sát đi "đánh án".

Khi phát hiện đối tượng, họ lại lái xe chở các trinh sát truy đuổi như phim hành động. Thượng úy Trần Khắc Tuấn nhớ lại, có lần anh lái xe chở Giám đốc và Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên truy bắt một đối tượng buôn bán ma túy suốt từ huyện Phú Bình lên đến thành phố Thái Nguyên rồi xuống huyện Sông Công nhưng không thành.

Chiếc xe của Công an tỉnh dù chạy lên tới tốc độ 130km/h vẫn không thể nào đọ với tốc độ của chiếc Lexus 470 của đối tượng. Dù Giám đốc Công an tỉnh đã rút súng bắn chỉ thiên và cán bộ ta đã đặt bàn chông để chặn đường nhưng đối tượng vẫn ngoan cố bỏ chạy. Phải huy động các lực lượng chốt chặn trên các tuyến đường, các trinh sát mới bắt được đối tượng, nhưng hắn cũng đã kịp tẩu tán một phần ma túy trong quá trình chạy trốn.

"Có lần chở Cảnh sát cơ động đi làm nhiệm vụ cưỡng chế, anh em lái xe phải đưa xe vào tận trung tâm của những vụ biểu tình, phản đối, cũng hứng đủ gạch đá, trứng thối, gậy gộc của người dân", Thượng úy Trần Khắc Tuấn nhớ lại.

Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh.
Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh.

Trong chuyên án truy bắt đối tượng vận chuyển trái phép 200 bánh heroin những ngày Tết âm Lịch năm 2015, ít ai biết được rằng, có hai  chiến sĩ Công an lái xe vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong việc truy đuổi và bắt giữ đối tượng, đó là Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh và Thiếu tá Nguyễn Đăng Mươi.

Vẻ ngoài hiền lành, ít nói, Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh bẽn lẽn kể lại. Hôm ấy là 11 giờ đêm, khi đang say giấc nồng, anh nhận được lệnh lập tức lên đường chở một tổ trinh sát và cơ động truy bắt đối tượng theo một mũi tấn công khác. Tình hình lúc ấy rất khẩn cấp, không kịp mặc sắc phục, Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh cứ "đóng" nguyên bộ quần cộc, áo ba lỗ nhảy lên xe.

Sau khi bị chiếc xe do Thiếu tá Nguyễn Đăng Mươi cầm lái truy đuổi đến vị trí một tổ công tác của ta đã mật phục sẵn ở đấy, đối tượng tiếp tục lái xe bỏ chạy. Lập tức chiếc xe do Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh cầm lái tiếp tục phóng theo. Một cuộc truy đuổi ngoạn mục diễn ra trên suốt đoạn đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội. Khi còn cách đối tượng vài trăm mét thì hắn dừng xe bỏ hàng, bỏ xe lao sang vệ đường để trốn chạy.

Kiểm tra xe trước giờ đánh án.
Kiểm tra xe trước giờ đánh án.

Nhanh như chớp, Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh dừng xe lao theo, trong khi các lực lượng cơ động và trinh sát vì ngồi trong và nặng nề các công cụ hỗ trợ chưa kịp xuống. Thấy đối tượng lao xuống bụi rậm, ngay lập tức Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh nhảy theo, đè vào lưng hắn. Cả hai đều ướt nhẹp, bùn đất trơn trượt vì nhảy vào vũng bùn, nhưng Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh vẫn gồng mình để giữ chặt hai tay đối tượng đằng sau cho đến lúc lực lượng trinh sát và cơ động chạy đến nơi để hỗ trợ.

Hỏi anh lúc ấy có sợ không, anh cười: "Lúc ấy mình cứ hành động theo bản năng. Chỉ nghĩ làm sao bắt được đối tượng, bởi nếu chỉ có hàng, thì chuyên án sẽ không thể thành công". Nhiều người thân, bạn bè biết chuyện khuyên anh không nên tham gia vào những tình huống nguy hiểm ấy nữa, nhưng anh bảo, có lẽ cũng là niềm đam mê của chính mình.

Cũng may cho anh hôm ấy khi đối tượng bỏ chạy không kịp mang theo vũ khí nóng cất giấu sẵn trên xe, nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra. "Bàn giao cho anh em xong tôi phải ngồi lại một lúc để nhặt gai, lá dính chặt vào quần áo. Chân tay chỉ bị xước xát nhẹ vì bị gai cào", Trung sĩ Nguyễn Hoàng Anh vui vẻ kể lại.

Cả Đội xe của Công an tỉnh Thái Nguyên hiện có 20 cán bộ chiến sĩ quản lý 30 chiếc xe. Công việc của các cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh lúc nào cũng bận rộn nên nhiều khi anh em lái xe không còn thời gian để nghỉ ngơi. Có khi vừa trở về sau một chuyên án lại lập tức lên đường làm nhiệm vụ được giao.

Đối mặt với bao nguy hiểm như các lực lượng chiến đấu khác, thế nhưng ai cũng tự hào khi được đóng góp một phần công sức làm nên thành công của những chuyên án.

Theo Lê Phong - Ngọc Trâm

Cảnh sát toàn cầu