Kê biên 1.237 bất động sản của bà Mỹ Lan, ông Cao Trí nộp lại 1.000 tỷ

Hải Nam

(Dân trí) - Quá trình điều tra, Bộ Công an thu giữ hơn 589 tỷ đồng, gần 15 triệu USD; phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng; kê biên 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên, phong tỏa, thu giữ, tạm giữ tài sản liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và các bị can khác.

Cụ thể, đối với tiền mặt, Bộ Công an thu giữ tổng hơn 589 tỷ đồng và gần 15 triệu USD. 

Ngoài ra, cơ quan điều tra đã phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ bị can mở tại các ngân hàng, tổng số tiền bị phong tỏa là gần 1.900 tỷ đồng và gần 8,5 triệu USD.

Đồng thời, Bộ Công an ngăn chặn giao dịch với số dư hơn 789 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng mở tại SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

Kê biên 1.237 bất động sản của bà Mỹ Lan, ông Cao Trí nộp lại 1.000 tỷ - 1

Một trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Ảnh: Thủy Tiên).

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng tạm giữ 1.266 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 Hợp đồng công chứng...

Đặc biệt, cơ quan điều tra đã kê biên 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan; kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát; kê biên một du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và bị can Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) do các pháp nhân đứng tên.

Đối với ông Nguyễn Cao Trí, Bộ Công an đã thu giữ tài sản của ông Trí khi khám xét; kê biên 7 bất động sản (trị giá hơn 266 tỷ đồng) của ông Trí. Ngoài ra, gia đình bị can tự nguyện nộp khắc phục hậu quả với tổng cộng hơn 1.001 tỷ đồng. 

Theo kết luận điều tra, bà Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết; bà Lan giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý.

Lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động nguồn vốn phục vụ hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cuối năm 2011, bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn cổ phần tại các ngân hàng này.

Ngày 1/1/2012, 3 ngân hàng hợp nhất với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trong SCB, bà Lan sở hữu hơn 85% cổ phần và tiếp tục mua thêm sau đó. 

Đến tháng 10/2022, bà Lan đã chi phối hơn 91,5% vốn điều lệ, tương đương sở hữu gần 1,4 triệu cổ phần Ngân hàng SCB, được đứng tên bởi 27 pháp nhân, cá nhân.

"Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối số cổ phần Ngân hàng SCB nêu trên, Trương Mỹ Lan đã đưa thân tín của Lan và các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, như HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB", kết luận điều tra nêu.

Kết quả điều tra xác định, đến ngày 17/10/2022, có 1.284 khoản vay/875 khách hàng là các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, còn dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng.

Để rút được số tiền trên, bà Lan đã chỉ đạo nhóm đối tượng tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện việc lập hồ sơ khống hợp thức như một khoản vay để rút tiền tại SCB.

Bà Lan còn bị cáo buộc mua chuộc các cán bộ thực hiện công vụ khi SCB bị giám sát, thanh tra, kiểm tra để họ báo cáo không trung thực về thực trạng nghiêm trọng của SCB.

Chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao, Bộ Công an đề nghị truy tố bà Lan về 3 tội danh Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

Dòng sự kiện: Vụ án Vạn Thịnh Phát