Hủy án vì... không xác định được bị cáo

Dù khẳng định cấp sơ thẩm xử đúng tội, đúng luật, không oan và mứchình phạt đã thỏa đáng nhưng lai lịch của bị cáo chưa được làm rõ nêncấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại.

Ngày 27-8, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án vụ bị cáo Lê Thị Mỹ Nhung bị TAND quận Phú Nhuận xử phạt sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản do vi phạm tố tụng. Cụ thể, vụ án có nhiều mâu thuẫn trong lai lịch, chưa rõ người bị truy tố, xét xử liệu có đúng là bị cáo hay không.

Theo hồ sơ, chiều 1-3-2015, sau khi cùng đi uống bia về, Nhung và cả nhóm bạn đến khách sạn trên đường Đoàn Thị Điểm, quận Phú Nhuận thuê một phòng ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, Nhung dậy sớm nhất và phát hiện trong phòng có nhiều tài sản có giá trị nên nảy sinh lòng tham chiếm đoạt. Nhung đã lén lấy đi một giỏ xách của người bạn có chứa tiền mặt và nhiều tài sản khác. Nhung cũng đem theo một bóp tiền và điện thoại của người bạn khác.

Hủy án vì... không xác định được bị cáo - 1
Bị cáo lúc chờ tòa nghị án. Ảnh: HY

Đến ngày 9-3-2015, Nhung bị bắt tại nơi đang phụ bán hàng. Sau đó Nhung được người chủ bảo lãnh cho tại ngoại. Tổng giá trị tài sản Nhung chiếm đoạt là hơn 20 triệu đồng.

Tại tòa, bị cáo này thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ kháng cáo xin hưởng án treo. Nhưng khi bổ sung các giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy khai sinh..., tòa nhận thấy tên cha của bị cáo lại là cái tên khác. Dù ở giai đoạn điều tra, bị cáo khai tên cha rồi cơ quan điều tra thẩm định lại có cái tên khác...

Giải thích cho điều này, bị cáo nói do bị mất giấy tờ nên bị cáo sử dụng tên của em họ là Lê Thị Ngọc Hân. Đến khi bị bắt, ban đầu bị cáo khai tên Hân, sau đó tự khai lại tên là Lê Thị Mỹ Dung rồi sau đó là Lê Thị Mỹ Nhung. Về tên cha, sở dĩ có sự khác nhau là do bị cáo không rõ, không biết cha mà chỉ nghe lại từ mẹ...

HĐXX nhận thấy bị cáo thể hiện lý lịch không rõ. Vụ án này không phải là bắt quả tang mà vài ngày sau khi sự việc đã xảy ra tại nơi bị cáo bán hàng. Phần xác minh lý lịch chỉ thực hiện ở TP.HCM trong khi hộ khẩu bị cáo ở Bình Thuận và chưa tiến hành làm rõ. Cơ quan điều tra cũng không cho đối chất và xác minh rõ để biết chính xác tên bị cáo khai có chính là bị cáo hay không.Từ đó tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại nhằm đảm bảo chính xác bị cáo chính là người đã có hành vi phạm tội.

Theo HOÀNG YẾN

Pháp luật TP Hồ Chí Minh