1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hứa Thị Phấn tố cáo công ty Phương Trang chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng

(Dân trí) - Theo đơn tố cáo của bà Phấn thì Công ty Phương Trang chiếm đoạt của bà hơn 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty Phương Trang cho rằng đây là thủ đoạn ngụy tạo chứng cứ để che đậy hành vi chiếm đoạt tiền của bà Phấn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đó đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB).

Bà Phấn tố nhóm Phương Trang chiếm đoạt của bà hơn 1.000 tỉ đồng.
Bà Phấn tố nhóm Phương Trang chiếm đoạt của bà hơn 1.000 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra từ năm 2013 đến nay, bà Hứa Thị Phấn có nhiều đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Luận - Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Đăng Quan - Tổng giám đốc Công ty Phương Trang và nhóm Phương Trang chiếm đoạt tiền của bà.

Trong đơn tố cáo bà Phấn trình bày, vào năm 2009, thông qua sự giới thiệu bà Phấn biết ông Luận và ông Quan cũng như tin tưởng vào quy mô của Công ty Phương Trang với hệ thống xe du lịch, xe khách khắp các tỉnh thành và có rất nhiều bất động sản.

Đặc biệt, khi bà Phấn phải đi lại bằng xe lăn ông Luận có đưa chiếc xe ô tô Maybach BKS 51A - 048.99 cho bà Phấn sử dụng để di chuyển cho dễ dàng. Đáp lại tình cảm của ông Luận, bà Phấn đã giao căn hộ Penthouse tại tòa Topaz 1 khu SG Pearl số 92 Nguyễn Hữa Cảnh phường 22 quận Bình Thạnh và làm thủ tục sang tên cho ông Luận.

Sau đó ông Luận, ông Quan và nhóm Phương Trang thường xuyên mượn tiền bà Phấn từ vài tỉ đồng đến hàng nghìn tỉ đồng. Việc vay nợ này được thực hiện theo hình thức vay - trả - xóa nợ trong một thời gian dài, giấy nợ được hủy ngay sau khi việc tất toán đầy đủ. Mục đích vay là để giải chấp tài sản tại các ngân hàng khác đem về thế chấp vay tiền tại ngân hàng Đại Tín. Tiền vay tại ngân hàng Đại Tín một phần trả nợ cho nhóm Phú Mỹ và phần còn lại Công ty Phương Trang sử dụng.

Cũng theo bà Phấn, đến nay ông Luận, ông Quan và nhóm Phương Trang chiếm đoạt của bà và nhóm Phú Mỹ số tiền 1.062 tỉ đồng và 400.000 USD. Trong đó có 748,2 tỉ đồng và 400.000 USD theo 8 giấy nhận tiền.

Liên quan tới đơn tố cáo trên ngoài 8 giấy nhận tiền bản photocopy, gồm 6 giấy nhận tiền 748,2 tỉ đồng từ Bùi Thị Kim Loan và 2 giấy nhận tiền 400.000 USD từ Hứa Thị Phấn, bà Phấn không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào khác chứng minh việc ông Luận và ông Quan vay tiền bà Phấn.

Về việc 6 giấy nhận tiền nhận 748,2 tỉ đồng từ Bùi Thị Kim Loan, Công ty Phương Trang khẳng định các cá nhân Phạm Đăng Quan, Trần Đăng Quan, Nguyễn Thị Tuyết Hạnh có nhận tiền và ký các giấy biên nhận trên. Tuy nhiên, 6 giấy nhận tiền trên là thủ đoạn ngụy tạo bằng cách mỗi khi bà Phấn đại diện cho ngân hàng Đại Tín giải ngân cho Công ty Phương Trang đều ép nhân viên công ty Phương Trang phải ký thêm các giấy biên nhận này với lý do: “Nhận trước tạm một phần tín dụng, do ngân hàng Đại Tín chưa đủ tiền, tiền về chưa kịp vài bữa nữa qua lấy đủ”.

Công ty Phương Trang khẳng định nếu đây là tiền bà Phấn cho cá nhân vay thì Phương Trang bị nhận nợ 2 lần cho 1 khoản tiền vừa nhận nợ ngân hàng vừa nhận nợ bà Phấn. Đây là thủ đoạn ngụy tạo chứng cứ để che đậy hành vi chiếm đoạt tiền của bà Phấn.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa thể hỏi cung bà Phấn vì lý do sức khỏe nên chưa thể đối chất với Công ty Phương Trang. Từ đó, cơ quan điều tra quyết định tách nội dung tố cáo này ra khỏi vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước trong hoạt kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, để tiếp tục điều tra theo đơn tố giác tin báo về tội phạm, chờ sức khỏe bà Phấn tốt hơn sẽ đối chất rồi kết luận xử lý sau.

Liên quan tới việc này, luật sư Trương Thị Minh Thơ bào chữa cho bà Phấn đã có đơn kiến nghị yêu cầu không tách hành vi này ra khỏi vụ án.

Xuân Duy