Hoãn xét xử vụ phó Viện trưởng Viện KSND nhận hối lộ 2.500 USD
(Dân trí) - Ngày 14/2, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Trường An (cựu phó Viện trưởng Viện KSND huyện Tân Châu) về tội nhận hối lộ.
Đặng Trường An bị Viện KSND tối cao truy tố về tội nhận hối lộ theo khoản 2, Điều 354 Bộ Luật hình sự, có khung phạt 7-15 năm tù.
Hơn 7h sáng, cựu Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Tân Châu – bị cáo Đặng Trường An được cảnh sát áp giải đến phòng xử án. Liền đó, thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết Vân - chủ tọa phiên tòa - cho phiên xử bắt đầu.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, giữ quyền công tố tại phiên tòa là 1 kiểm sát viên của Viện KSND tối cao và 1 kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Tây Ninh.
Bị cáo Đặng Trường An có 2 luật sư bào chữa. Theo chủ tọa phiên tòa, trước khi mở phiên xử, 1 luật sư vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa, 1 số người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan cũng có đơn xin vắng mặt và xin xử vắng mặt.
Tại phần thẩm tra tư pháp, chủ tọa hỏi các bên liên quan về sự vắng mặt của những người liên quan. Luật sư Vương Sơn Hà (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, bào chữa cho bị cáo An) đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Theo luật sư Hà, HĐXX triệu tập bà Cao Thị Gái (người cho bị hại vay tiền) với vai trò người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan là chưa đúng, bà Gái phải tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, đồng thời ấn định thời gian mở phiên tòa mới vào ngày 21/2.
Theo cáo trạng, Đặng Trường An cùng 2 kiểm sát viên khác được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết vụ án Cao Văn Tuyển, Cao Thái Phát phạm tội cố ý gây thương tích do cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh khởi tố, điều tra (cả 2 bị can được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú).
Cáo trạng nêu rõ, khoảng ngày 28 và ngày 29/7/2019, Đặng Trường An điện thoại cho người nhà của Tuyển và Phát trao đổi về việc đã có kết luận điều tra vụ án chuyển sang Viện KSND huyện rồi và yêu cầu người này đến nhà An để bàn cách giúp đỡ.
Khoảng 12h cùng ngày tại nhà An, người thân của Tuyển đã xin cho hai đối tượng được hưởng án treo thì An gợi ý phải đưa 25 triệu đồng để bồi thường cho người bị hại thì mới có cơ sở xin tòa xử nhẹ và 80 triệu đồng để An đưa bên Tòa án giúp đỡ "chạy án".
Sau đó, Tuyển và gia đình chuẩn bị tiền thì An liên tục gọi điện thúc giục, Tuyển đã ghi âm lại các cuộc điện thoại. Thấy việc đưa tiền cho An là không đúng nên ngày 2/8/2019, Tuyển đã đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao tố cáo Đặng Trường An có hành vi đòi hối lộ.
Đến khoảng 16h45 cùng ngày 2/8/2019, như đã hẹn trước, An gặp Tuyển để nhận phong bì thư chứa 2.500 USD, thì bị cơ quan điều tra Viện KSND tối cao bắt giữ.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ và lời khai của Đặng Trường An, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao xác định trong quá trình giải quyết vụ án, An đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn yêu cầu Cao Văn Tuyển đưa 80 triệu đồng và thực tế đã nhận 2.500 USD để hứa giúp Tuyển được hưởng án treo.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cũng đã trưng cầu giám định, số USD và các file nội dung ghi âm các cuộc nói chuyện qua điện thoại di động của ông An và những người liên quan. Viện Khoa học hình sự tại TPHCM kết luận 25 tờ tiền mệnh giá 100 USD là tiền thật. Các file ghi âm không bị cắt ghép, chỉnh sửa, nội dung tiếng nói trong các file ghi âm là tiếng nói của Đặng Trường An....
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Văn Thảo (Viện trưởng Viện KSND huyện Tân Châu) tuy không biết bị can An đòi hối lộ nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu cần thiết phải kiến nghị Viện trưởng Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đối với Cao Văn Tuyển đã có hành vi đưa hối lộ cho Đặng Trường An số tiền 2.500 USD, xét thấy Tuyển bị ép buộc và chủ động tố giác tội phạm trước khi bị phát giác. Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Tuyển.
Cáo trạng cho rằng bị can An không có tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ, quá trình điều tra, bị can An thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, quá trình công tác được tặng nhiều giấy khen, bằng khen.
Xuân Duy