Quảng Bình:
Hệ lụy khôn lường và những khó khăn trong quản lý các đối tượng ngáo đá
(Dân trí) - Những kẻ nghiện ma túy sống trong cộng đồng và trở nên ngáo đá bất cứ lúc nào. Thế nhưng hiện nay, chế tài xử lý, cũng như công tác quản lý các đối tượng này còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Hệ lụy từ những kẻ ngáo đá!
Cháu Trần Thanh L. (SN 2009), trú thôn Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) là một trong những nạn nhân của các đối tượng ngáo đá. Vào một ngày giữa tháng 6/2018, cháu L. đang nằm xem tivi thì bất ngờ bị đối tượng Hoàng Minh Hậu (SN 1983), trú cùng xã lao vào nhà, dùng dao chém nhiều nhát vào vùng đầu, mặt, cánh tay, bàn tay.
Sự việc khiến cháu L. bị 3 vết thương, trong đó có 1 vết thương ngang mặt, làm đứt 2 cánh mũi; 1 vết thương ở vùng đầu thái dương phải, gây lún sọ, qua giám định, tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu L. là 66%.
Về phía Hậu, sau khi gây ra sự việc, đối tượng đã bỏ chạy rồi dùng dao tự tử nhưng bất thành. Kẻ này bị bắt và lãnh án 17 năm tù về tội giết người. Hậu thừa nhận mình phạm tội trong tình trạng ngáo đá và có suy nghĩ rằng bố cháu L. đã bắt cóc con trai Hậu.
Tình trạng ngáo đá của Hậu cũng đã được Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung kết luận, tại thời điểm gây án, Hậu bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác, hạn chế khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi.
Kẻ ngáo đá phải đền tội, thế nhưng hệ lụy để lại là vô cùng lớn, những vết thương thể xác và tinh thần đối với cháu L. và cả những nỗi đau của gia đình cháu là không thể bù đắp.
“Trước đây cháu nó khỏe mạnh, nhanh nhẹn lắm, thế nhưng sau ngày bị chém dẫn đến bị thương nặng, tinh thần cháu bị ảnh hưởng rất lớn. Cháu luôn sống trong cảnh sợ hãi, lúc trở trời thì đau nhức đầu và tay, cánh tay trái của cháu giờ cũng bị liệt không cử động được. Vì những kẻ ngáo đá mà con tôi đã biến thành một đứa trẻ tàn tật”, chị Lê Thị Lý (SN 1978), mẹ cháu L. uất ức kể lại.
Đây chỉ là 1 trong những vụ việc đau lòng mà những kẻ ngáo đá gây ra. Mới đây nhất tại thị xã Ba Đồn cũng xảy ra sự việc một thanh niên sau khi sử dụng ma túy đã trở nên hung hăng, loạn thần. Kẻ này là Phạm Nghĩa (SN 1989), trú tại thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc.
Nghĩa nửa đêm lên cơn ngáo đá, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma túy, không nhận thức và kiểm soát hành vi đã đập phá, hủy hoại tài sản, đánh đập người trong gia đình và tấn công cả công an. Rất may cơ quan công an đã kịp thời khống chế đối tượng trước khi xảy ra sự việc đáng tiếc.
Khó khăn trong xử lý đối tượng ngáo đá
Hệ lụy từ ngáo đá thì đã thấy rõ, tuy nhiên công tác xử lý các đối tượng nghiện ma túy hiện nay lại rất khó khăn. Theo thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng Công an thị xã Ba Đồn, hiện vẫn chưa có chế tài triệt để trong việc xử lý các đối tượng nghiện ma túy, ngáo đá.
Đối với những “con nghiện” dù trong diện theo dõi, nhưng chưa bắt được quả tang sử dụng ma túy thì chỉ có thể rà soát, phòng ngừa xa chứ không thể bắt đi kiểm tra ma túy hay trại cai nghiện bắt buộc. Một vấn đề thực tiễn là các con nghiện lên cơn ngáo đá hoạt động vô thức, biểu hiện bên ngoài lại chưa đủ cấu thành một hình thức phạm tội.
Tuy nhiên khi đã ngáo đá và có hành vi phạm tội thì hậu quả rất lớn, đã có nhiều vụ thảm sát liên quan đến ngáo đá. Điểm chung của các vụ việc này là diễn biến bất ngờ, không thể lường trước được.
Khi những kẻ “ngáo đá” xuất hiện với những hành vi bất bình thường nhưng chưa nghiêm trọng, người ta không thể cách ly họ với cộng đồng. Nếu “con nghiện” không tự nguyện đi cai và gia đình không hợp tác hoặc không bắt được quả tang sử dụng ma túy thì hàng ngày các đối tượng như vậy vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội như một quả bom nổ chậm.
“Những kẻ này sống chung cộng đồng, khi chưa ngáo đá thì không ai biết, cũng không ai đề phòng gì. Thế nhưng khi loạn thần, những kẻ này hết sức nguy hiểm, bởi không làm chủ được bản thân, có thể liều lĩnh, côn đồ, gây ra bất cứ điều gì đe dọa tính mạng, tài sản của người dân vô tội”, Thượng tá Hóa nêu rõ.
Theo thống kê từ lực lượng Công an Quảng Bình, địa phương này có 2.455 đối tượng liên quan đến ma túy, tuy nhiên chỉ có 857 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Để giảm bớt hậu quả của ma túy đem lại với cộng đồng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, cách phòng chống khi gặp người có biểu hiện ngáo đá, bệnh lý về tâm thần gây ra.
Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm về ma túy. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, ban hành chế tài xử lý mạnh hơn đối với trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp, gây rối trật tự nhiều lần; hạ thấp khung quy định về thiệt hại để xử lý hình sự hoặc đưa đi cai nghiện bắt buộc, cách ly các đối tượng nghiện, nguy cơ loạn thần, ngáo đá ra khỏi xã hội.
Tiến Thành