1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hai sinh viên giả danh tống tiền CSGT

Chiều 12-2, cảnh sát hình sự đã bắt quả tang Phạm Quang Thái (25 tuổi), tạm trú 69 Lê Văn Lương, quận 7. Thái bị bắt khi đang có hành vi nhận 20 triệu đồng từ một số CSGT của Đội Kiểm soát giao thông Tân Sơn Nhất (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM).

Trước đó, nhiều lần Phạm Quang Thái cùng một người bạn là DKU (sinh viên mới tốt nghiệp của một trường ĐH) cố tình vi phạm luật giao thông để bị CSGT lập biên bản. Sau đó, cả hai năn nỉ CSGT xóa bớt lỗi vì “tụi em là sinh viên mới ra trường, không có tiền nộp phạt”. Khi được CSGT thông cảm nhắc nhở hoặc giảm bớt lỗi, ghi lỗi nhẹ trong biên bản thì cả hai bí mật ghi hình, cảm ơn rồi bỏ đi. Tuy nhiên, ngay sau đó Thái quay lại bắt bẻ vì sao vi phạm lỗi này mà anh lập biên bản lỗi kia. Thái và U. dọa sẽ khiếu nại, tố cáo với cấp trên và gửi clip ghi hình sai quy trình của CSGT cho báo chí đăng tải nếu không được “bồi thường”.

Chiều 4-2, Thái và DKU tiếp tục dùng thủ đoạn trên với một tổ CSGT Đội Tân Sơn Nhất đang làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận). Cả hai cho số điện thoại, xưng là CTV của Pháp Luật TP.HCM và dọa sẽ đưa clip lên báo.

Thấy nghi ngờ, lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất đã liên hệ với Pháp Luật TP.HCM. Báo khẳng định không hề có hai CTV như trên, đồng thời tòa soạn Pháp Luật TP.HCM thông tin cho lãnh đạo Phòng CSGT (PC67) về hiện tượng có kẻ giả danh với ý đồ không tốt.

Phạm Quang Thái (phải)
trong một lần đến Pháp Luật TP.HCM khiếu nại CSGT

Phạm Quang Thái (phải) trong một lần đến Pháp Luật TP.HCM khiếu nại CSGT  phạt lỗi không đúng. Ảnh: MP

Trưa 12-2, Thái bị bắt quả tang khi đang nhận 20 triệu đồng từ một CSGT Đội Tân Sơn Nhất. Cơ quan chức năng đã đưa Thái về Công an phường Bến Nghé, quận 1 để khai thác và quyết định tạm giữ. Hành vi và mức độ liên quan của DKU đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Trước đây, Thái và U. đã đến Pháp Luật TP.HCM mang theo các đoạn clip, ghi âm để khiếu nại, cho rằng các CSGT một khu vực ngoại thành đã “làm sai”. Nội dung ghi âm, ghi hình cho thấy U. chở Thái bằng xe máy chạy lấn tuyến, khi bị CSGT kiểm tra lại không xuất trình bằng lái. CSGT giải thích với hai lỗi này sẽ bị phạt ít nhất 400.000 đồng thì U. năn nỉ: “Anh thông cảm, bọn em là sinh viên mới ra trường”.

Sau đó, CSGT ra quyết định xử phạt về lỗi vượt nhưng không báo với mức 70.000 đồng. Tuy nhiên, khi được CSGT giảm nhẹ, Thái quay lại vặn vẹo CSGT: “Tôi phạm hai lỗi, sao các anh lại phạt lỗi nhẹ?”… Thái lớn tiếng cho rằng các CSGT đã vi phạm quy trình và muốn gì thì: “Giải thích việc này với cấp trên hoặc với các cơ quan báo chí”.

Nhận thấy Thái và U. có nhiều biểu hiện không rõ ràng, sau khi thẩm định nội dung, Pháp Luật TP.HCM không đăng bài. Dù vậy, PV cũng xác minh từ đội CSGT bị “khiếu nại” và lãnh đạo đơn vị cam kết xử lý cán bộ sai phạm, đồng thời mời Thái và U. đến để giải thích, xin lỗi.

Sau buổi làm việc này, Thái gọi điện thoại đến Pháp Luật TP.HCM thông báo đã nhận được giải quyết từ CSGT, không khiếu nại nữa.

Tuy nhiên sau đó, Pháp Luật TP.HCM nhận được thông tin rằng Thái và U. lại đánh tiếng với các CSGT rằng chưa đồng ý với cách giải quyết vừa qua nên yêu cầu được bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất. Việc bồi thường phải thỏa đáng, nếu không sẽ khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và thông tin đến các cơ quan báo chí khác…

Trước thực tế này, đại diện Pháp Luật TP.HCM đã thông báo đến lãnh đạo PC67, lãnh đạo các đội CSGT thuộc PC67 và nhiều quận, huyện cùng các cán bộ, chiến sĩ CSGT về trường hợp của Thái, U. để cảnh giác và đề nghị thông báo đến cơ quan công an để ngăn ngừa, xử lý chuyện mạo danh có ý đồ cưỡng đoạt tài sản.

Theo HƯNG NGUYÊN - MINH PHONG

Pháp luật TP Hồ Chí Minh