1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hà Nội: UBND quận Thanh Xuân hầu tòa vì dành đất cho... trường học

(Dân trí) - Mặc dù đã bước sang năm thứ 5 đi vào hoạt động nhưng hàng ngày phụ huynh và học sinh trường tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn luôn phải chịu cảnh chật chội khi ra vào trường mà nguyên nhân xuất phát từ việc chậm giải phóng mặt bằng.

5 năm đón học sinh - đường vào trường càng tắc

Ngày 25/4/2008, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1497/QĐ-UBND thu hồi 8.137m2 đất tại phường Nhân Chính và phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); giao cho UBND Quận Thanh Xuân để thực hiện Dự án đầu tư xây trường tiểu học Thanh Xuân Trung, nằm trên đường Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội).

Sau 1 năm triển khai xây dựng, ngôi trường này đã đón thế hệ học sinh đầu tiên bắt đầu từ niên học 2009-2010. Đến nay, đã bước sang năm thứ 5, con số học sinh đến trường giờ đã lên tới hàng nghìn em. Hiện điều kiện cơ sở vật chất của trường khá khang trang với nhiều tiêu chí thuận lợi để trở thành trường đạt chuẩn của Thủ đô. 
 
Trường đã bước sang năm thứ 5 đón học sinh...
Trường đã bước sang năm thứ 5 đón học sinh...
 
Trường đã bước sang năm thứ 5 đón học sinh...
... nhưng cổng trường vẫn bị "án ngữ" bởi một số nhà cấp 4 hiện đang được kinh doanh gây ách tắc giao thông vào những giờ đưa đón học sinh.

Thế nhưng, bao năm đón học sinh đến trường là từng ấy năm mà thầy, trò và phụ huynh trường tiểu học Thanh Xuân Trung luôn phải đối mặt với sự chật chội từ lối ra vào trường do có một số nhà cấp 4 nằm “án ngữ” ở phía cổng trường, tạo thành hình “nút thắt cổ chai”.

Cô giáo Đinh Thùy Dương - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Hiện tượng tắc đường ở khu vực trước cổng trường thường xuyên xảy ra vào những giờ phụ huynh đưa đón học sinh và ngày càng nghiêm trọng do quy mô học sinh của trường đã lên tới hàng nghìn em. Đặc biệt vào những hôm trời mưa gió rét, tình trạng tắc nghẽn còn căng thẳng hơn do có không ít phụ huynh chở con bằng ô tô đi học. Bởi vậy, dù nhà trưởng đã bố trí bảo vệ túc trực ở cổng trường trong những giờ cao điểm song cũng không cải thiện được nhiều.”

Bà Trần Thị Thanh Bình - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung - chia sẻ: “Sau rất nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, phường Thanh Xuân Trung mới chính thức có một trường tiểu học công lập đầu tiên, đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của con em trên địa bàn phường. Tuy nhiên, hiện nay, do có một phần diện tích thuộc dự án xây dựng trường vẫn chưa được giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới môi trường dạy và học của trường, đặc biệt là việc đưa đón con em của các bậc phụ huynh, đồng thời gây ra cảnh ùn tắc đường trong những giờ cao điểm.”

Vì sao lại chậm giải phóng mặt bằng?

Năm 2008, UBND TP Hà Nội có quyết định số 1497/QĐ-UBND thu hồi 8.137m2 đất tại phường Nhân Chính và phường Thanh Xuân Trung, giao cho UBND Quận Thanh Xuân để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trường tiểu học Thanh Xuân Trung. Trong đó gồm: 7.343m2 đất HTX dịch vụ tổng hợp Nhân Chính đã để hoang hóa, không sử dụng và 793,4m2 có nguồn gốc do UBND TP giao cho công ty thức ăn gia súc (nay là Công ty TNHH NN một thành viên giống gia súc Hà Nội).

Trên phần diện tích 793,4m2 vẫn tồn tại một số nhà cấp 4 do một số hộ gia đình đang quản lý và sử dụng. Theo báo cáo số 1107/BC-STBMT-TTr của Sở tài nguyên và môi trường Hà Nội ngày 17/10/2011, phần diện tích này được chia thành 3 loại: 1/UBND huyện Từ Liêm đã cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất trên diện tích 283,7m2 cho 2 gia đình bà Đặng Thị Thanh Xuân (98,7m2) và bà Doãn Thị Nhị (185m2); 2/Diện tích 386,5m2 tiếp theo là do các hộ lấn chiếm sử dụng chưa được các cơ quan chức năng xử lý; 3/Còn lại 123,2m2 là do công ty TNHH NN một thành viên giống gia súc Hà Nội đang quản lý, sử dụng.

Sau khi chính quyền ra thông báo thu hồi đất để xây trường học, tại đây có 5 hộ gia đình đứng tên khiếu nại cơ quan chức năng đó là: ông Nguyễn Bảo Nguyên; ông Nguyễn Bảo Vĩnh; ông Nguyễn Bảo Minh; bà Đặng Thị Thanh Xuân và bà Bạch Thị Ngọc. Trong đó, các ông Nguyên, Vĩnh, Minh là con của cụ Nhị; bà Ngọc thì được chuyển nhượng một phần đất từ bà Xuân.

Trường đã bước sang năm thứ 5 đón học sinh...
Phần diện tích chưa được giải phóng mặt bằng (vùng đánh dấu X) gây "thắt nút cổ chai" lối vào trường (nhìn từ phía trong trường ra ngoài đường)
 
Lý do chủ yếu được các hộ đưa ra là phần diện tích đất họ đang sử dụng không nằm trong quyết định thu hồi đất để làm dự án; kiến nghị về việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường chưa thỏa đáng.

Về vấn đề này, theo công văn số 29/UBND-TTr ngày 17/1/2012 của UBND Quận Thanh Xuân trả lời kiến nghị của công dân liên quan đến việc giải phóng mặt bằng thu hồi đất xây dựng trường tiểu học Thanh Xuân Trung, lãnh đạo quận đã khẳng định, kiến nghị của các chủ sử dụng đất cho rằng không nằm trong quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội là không có cơ sở; Việc chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân là do diện tích này đã nằm trong quy hoạch dự án xây trường từ năm 2004. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng tới việc đền bù, bồi thường cho các hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng tại đây.

Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân cũng đã được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong văn bản số 1107 nói trên: “Việc áp dụng chính sách khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Thanh Xuân Trung của UBND quận Thanh Xuân đối với các hộ gia đình là đúng quy định của thành phố”.

Được biết, TAND quận Thanh Xuân đã thụ lý vụ án hành chính theo đơn khởi kiện của các ông Nguyễn Bảo Nguyên; Nguyễn Bảo Vĩnh và Nguyễn Bảo Minh với bị đơn là UBND Quận Thanh Xuân liên quan đến quyết định thu hồi đất để xây dựng trường tiểu học Thanh Xuân Trung.

Phiên tòa dự kiến sẽ được xét xử vào ngày 20/8 tới đây. Hy vọng rằng, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng đã tồn tại suốt nhiều năm nay, tạo điều kiện để Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân hoàn thiện các hạng mục đầu tư cuối cùng và bàn giao cho nhà trường quản lý. Điều này đồng nghĩa với việc “nút thắt cổ chai” sẽ được “cởi”, đáp ứng lòng mong mỏi của thầy, trò và phụ huynh trường tiểu học Thanh Xuân Trung.

Lan Hương