Hà Nội: Cảnh sát khu vực lừa đảo hơn 3,8 tỷ đồng

Lợi dụng danh nghĩa là cán bộ cảnh sát khu vực phường Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội), Bảy đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3,8 tỷ đồng của nhiều người. Với hành vi này, cựu cảnh sát khu vực bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Bị cáo Bảy tại tòa

Bị cáo Bảy tại tòa

TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Lê Văn Bảy (SN 1977, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là hơn chục người có nhu cầu xin việc, xin học… cho con, người thân vào ngành Công an.

Lừa làm sổ đỏ và xuất khẩu lao động

Lê Văn Bảy nguyên là cán bộ cảnh sát khu vực phường Khương Mai – Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ở cấp bậc đại úy, Bảy được khá nhiều người tin tưởng, kính trọng. Thế nhưng, thay vì hết lòng phục vụ người dân, Bảy lại lợi dụng danh nghĩa của mình để lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ của hơn chục người.

Đầu năm 2008, bà Phan Thị Giới (người dân sống tại phường Khương Mai) nhờ Bảy (khi đó đang là công an khu vực phường Khương Mai) giúp làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình. Biết gia đình người phụ nữ này thuộc diện được làm sổ đỏ nhưng phải nộp lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất mới được cấp sổ nên Bảy bảo với bà Giới có thể giúp gia đình nộp tiền thuế đất nhưng ở mức thấp hơn so với quy định. Bà Giới đồng ý và đưa cho Bảy tổng số tiền 203 triệu đồng để anh ta lo giúp. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền trên, Bảy không nộp thuế đất cũng như không liên hệ với cá nhân, đơn vị nào để xin giảm thuế đất cho gia đình bà Giới mà sử dụng ăn tiêu cá nhân hết.

Khoảng tháng 10/2014, khi đang làm việc tại cơ quan, Bảy thấy anh Nguyễn Công Anh (quê Hà Tĩnh) và chị họ tới xin xác nhận bị mất giấy tờ tùy thân, trong đó có hộ chiếu. Khi biết anh Công Anh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Úc, Bảy tự giới thiệu có thể xin giúp thủ tục cho anh này sang Úc làm việc tại nhà hàng theo diện bảo lãnh với chi phí là 19.500 USD. Nghe vậy, anh Công Anh nhờ Bảy xin giúp mình.

Bảy nói với anh Công Anh nếu có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội sẽ làm thủ tục được nhanh hơn. Thấy vậy, anh Công Anh đã đưa cho Bảy 15 triệu đồng để nhờ chuyển khẩu giúp. Ít lâu sau, anh Công Anh chuyển cho Bảy 19.500 USD. Nhận tiền, Bảy viết giấy biên nhận và hẹn đầu năm 2015 sẽ có kết quả. Quá hạn, Bảy khất lần và nói đang làm thủ tục, còn yêu cầu bị hại nộp thêm 87 triệu đồng cho mình. Nhiều lần đòi tiền không được, anh Công Anh đã gửi đơn tố cáo Bảy.

Nữ đồng nghiệp cũng bị “cuốn” theo

Bên cạnh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên, cơ quan chức năng xác định Bảy còn có hành vi lừa xin học, chạy việc vào các trường Công an, Quân đội… Cũng vì việc này mà một nữ đồng nghiệp của Bảy phải “nếm trái đắng”, bị đề nghị kỷ luật.

Bảy và chị N.T.H (là cán bộ Công an phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) có quen biết với nhau. Khoảng tháng 8/2014, chị T nhận được điện thoại của người quen nhờ hỏi hộ xem có mối nào có thể xin cho hai cháu của mình vào học các trường trong khối Công an nhân dân không. Chị T đã gọi điện hỏi Lê Văn Bảy.

Nghe nữ đồng nghiệp “trình bày” hoàn cảnh xong, Bảy nói với chị T có thể xin cho hai trường hợp vào học tại Học viện Hậu cần – Bộ Quốc phòng theo chỉ tiêu đi học của Công an với giá 350 triệu đồng/suất. Sau đó, chị T và người quen có nhu cầu xin cho con vào học tại Học viện Hậu cần đã đến gặp và chuyển hàng trăm triệu đồng cho Bảy. Ngoài xin học cho hai trường hợp trên, chị T còn nhờ Bảy xin việc cho con trai một người bạn vào ngành Công an. Nhận tiền xong, Bảy không thực hiện như cam kết mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết.

CQĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự với chị T do không có căn cứ xác minh chị này có thỏa thuận, ăn chia hưởng lợi với Bảy. Tuy nhiên, hành vi trên của chị T theo CQĐT là gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của ngành Công an. Bởi vậy, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có công văn đề nghị xử lý, kỷ luật đối với chị T. theo quy định của ngành Công an.

Theo tài liệu của CQĐT, từ năm 2008 đến năm 2015, Lê Văn Bảy đã thực hiện hơn chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó chủ yếu là xin học, xin việc tại các trường Công an, Quân đội… Tổng số tiền Bảy chiếm đoạt của hơn chục bị hại là hơn 3,8 tỷ đồng.

Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, Bảy thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Khi bị truy vấn tại sao lại cần tiền của các bị hại nhưng không thực hiện như hứa hẹn mà chi tiêu cá nhân hết, Bảy khai, lấy tiền đó để đầu tư kinh doanh nhưng do thua lỗ, chưa lấy lại được tiền nên mới không có tiền để trả cho các bị hại.

Theo Ngọc Diệp

Pháp luật Việt Nam