Gương vỡ khó lành
Họ đứng trước tòa như hai người xa lạ. Một bên khóc lóc kể tội. Một bên tha thiết muốn hàn gắn. Thật khó để hạnh phúc trở lại khi giữa họ tình cảm đã nhạt nhòa.
Cuộc hôn nhân của ông Tô Quốc V. (SN 1959) và bà Nguyễn Thị Anh L. (SN 1965, cả hai ngụ quận 12 - TPHCM) từng một thời hạnh phúc, các con ngoan ngoãn, học hành tử tế. Thế nhưng, khi cả hai đã ở bên kia con dốc cuộc đời, hai con đã trưởng thành cũng là lúc khoảng cách giữa họ ngày một xa, bắt đầu từ những bất đồng trong cách nghĩ, cách làm.
Người buông, kẻ níu
Theo tường trình của bà trước tòa, bắt đầu từ năm 2005, mâu thuẫn giữa họ nảy sinh ngày một nhiều do “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, chuyện lớn, chuyện nhỏ, hễ nói ra là dẫn đến gây gổ, không ai nhường ai. Hiện họ vẫn sống và sinh hoạt dưới một mái nhà nhưng ít nói chuyện, trao đổi, quan tâm đến nhau, “chuyện ai người đó làm, chẳng khác gì người dưng”. Sống như vậy, bà thấy tình cảm vợ chồng không còn nên yêu cầu được ly hôn.
Ngược lại, ông cho rằng “chén trong sóng còn khua”, mâu thuẫn vợ chồng phát sinh từ những bất đồng nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày là chuyện bình thường. Hiện cả hai vẫn chung sống với nhau, điều đó thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa đôi bên vẫn còn. Thỉnh thoảng, họ có tranh luận một vài vấn đề nhưng không đến mức mâu thuẫn trầm trọng. Ông vẫn còn yêu thương bà, mong muốn có thêm thời gian để hàn gắn tình cảm vợ chồng. Vì vậy, ông không đồng ý ly hôn.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào kết quả thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận thấy giữa ông và bà tuy nảy sinh mâu thuẫn nhưng chưa đến mức nghiêm trọng để dẫn đến việc phải chấm dứt hôn nhân. Cần có thời gian để hai bên có cơ hội trải lòng, hiểu và cảm thông với nhau hơn. Vì vậy, cấp sơ thẩm bác yêu cầu xin được ly hôn của bà. Không đồng ý với quyết định trên, bà làm đơn kháng cáo với mong muốn được “giải thoát”.
Ở trong chăn mới biết...
Tại phiên phúc thẩm, ngồi ở hai đầu ghế, thỉnh thoảng họ đẩy về đối phương những cái nhìn trách móc pha chút hằn học. Không khí phòng xử căng thẳng đến ngột ngạt.
Được mời lên, ông nhẹ nhàng trình bày nguyện vọng: “Chúng tôi đã vào tuổi xế chiều, mong tòa xem xét giữ hạnh phúc gia đình cho các cháu…”. Không đợi ông nói hết câu, bà vội vã cắt lời: “Tôi muốn ly hôn, không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa. Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Nếu tòa không giải quyết cho chúng tôi, sớm muộn gì giữa chúng tôi cũng có án mạng…”. Nói đến đây, giọng bà nghẹn lại rồi bỗng dưng bà bật khóc nức nở. Sau một lúc dằn cơn xúc động, bà kiên quyết: “Khả năng đoàn tụ là không thể. Tôi chỉ muốn ly hôn…”.
Vị chủ tọa khuyên nhủ: “Sống với nhau hơn 20 năm, chắc chắn ông bà đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, chia ngọt sẻ bùi không ít. Nay ông tha thiết muốn được có thời gian để cả hai hiểu nhau hơn, để các cháu được hạnh phúc trọn vẹn, liệu bà có thể suy nghĩ lại mà cho ông một cơ hội không?”. Tiếng được, tiếng mất, bà lắc đầu, tuôn ra những điều ấm ức trong lòng: “Chúng tôi không thể nào ở cùng nhau được nữa.
Ông quá khắt khe và gia trưởng với tôi. Lúc tôi chưa đi làm, ở nhà lo lắng cái ăn, cái học cho hai con, ông chửi tôi là đồ lười. Đến khi tôi đi làm, ông lại không tiếc lời mắng nhiếc, thóa mạ, nói tôi làm nghề tầm bậy. Bản thân ông đối với tôi không tốt, đối với gia đình tôi càng tệ bạc. Gia đình ông cũng không tôn trọng tôi, đối xử với tôi chẳng ra gì…”.
Đôi vai bà run run, những lời than khóc lặp đi lặp lại đầy ám ảnh: “Ông còn thường xuyên đuổi đánh tôi ra khỏi nhà. Nhiều lúc 24 giờ, 2, 3 giờ sáng ông cũng đánh, đuổi tôi. Ông còn nói sẽ không bao giờ đồng ý ly hôn, sẽ hành hạ tôi đến cuối đời. Tôi không chịu nổi nữa rồi, mong tòa công bằng xem xét cho tôi…”.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định mâu thuẫn giữa họ không quá trầm trọng, khả năng hàn gắn là điều còn có thể, vì vậy bác kháng cáo của bà, giữ nguyên án sơ thẩm, không chấp thuận cho họ ly hôn. |
Theo Kha Miên
NLĐ