1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Gỡ “rào cản” với báo chí để chống án sai sót

(Dân trí) - VKSND tối cao cho biết, hàng năm vẫn có từ 20-30% các vụ việc báo chí nêu thông tin không chính xác về ngành kiểm sát. Các phóng viên theo dõi ngành lại than việc tiếp cận khai thác thông tin từ ngành kiểm sát gặp rất nhiều “rào cản”…

Thông tin này đã được đưa ra tại cuộc hội thảo “Báo chí với hoạt động cải cách tư pháp trong ngành kiểm sát nhân dân” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Viện KSND Tối cao tổ chức ngày 11/12.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Viện KSND Tối cao, từ năm 2012 ngành kiểm sát đã đẩy mạnh việc kiểm tra giải quyết các vụ việc báo chí nêu liên quan đến trách nhiệm của ngành. Tuy nhiên, trong năm 2012, trong số 157 vụ việc nêu liên quan đến trách nhiệm ngành kiểm sát thì chỉ có 56 trường hợp nêu đúng, chiếm tỉ lệ 36%, 55 trường hợp nêu vừa đúng vừa sai chiếm 35% và 46 trường hợp không chính xác, chiếm 29%.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, trong số 105 trường hợp thì chỉ có 48,6% là chính xác, 28,6% không chính xác.

Từ thực tiễn trên, ông Nguyễn Việt Hùng đề xuất, báo chí khi tham gia đưa tin về kết quả điều tra, truy tố các vụ án lớn, nghiêm trọng phức tạp được dư luận quan tâm, cần phối hợp và tham khảo ý kiến các cơ quan thụ lý để đảm bảo thông tin chính xác.
 
Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN Hà Minh Huệ phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN Hà Minh Huệ phát biểu tại hội thảo.

Tuy vậy, tham luận của báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Thanh Niên… tại cuộc hội thảo cho thấy, việc báo chí tiếp cận khai thác thông tin từ ngành kiểm sát gặp rất nhiều “rào cản”.

Cụ thể, ngoại trừ việc phán ảnh hoạt động của cơ quan công tố trong các phiên tòa công khai trong quá trình điều tra, khởi tố, truy tố một vụ án cụ thể  báo chí luôn gặp câu trả lời từ cơ quan KSND: “Vụ án đang trong quá trình điều tra, tài liệu là mật nên không cung cấp”.

Trong không ít trường hợp, báo chí được cán bộ ngành kiểm sát trả lời rằng cung cấp thông tin cho báo chí không chỉ lộ “bí mật quốc gia” mà còn “bí mật công tác” và cả vi phạm quy chế phát ngôn.

Tham luận của nhiều đơn vị trong ngành kiểm sát cũng nhìn nhận đang có sự e dè trong hoạt động cung cấp thông tin của ngành đối với báo chí.

Khi không khai thác được thông tin từ các nguồn chính thống, báo chí đành chấp nhận thông tin theo nguồn tài liệu của mình từ nhiều nguồn tin không chính thức, đồng nghĩa phải chấp nhận rủi ro và thực tế đã xảy ra không ít vụ việc sai sót.

Tại buổi hội thảo, lãnh đạo Viện KSND Tối cao và Hội Nhà báo Việt Nam cùng nhìn nhận cần phải “gỡ bỏ” những rào cản trong mối quan hệ giữa báo chí và ngành kiểm sát. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị  mà báo chí có vai trò không thể thiếu.

Nhà báo Thuận Hữu- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ  phối hợp với Viện KSND Tối cao tổ chức các lớp tuấn huấn cho các cơ quan báo chí về hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tiến sĩ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng cho biết sẽ tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin, đặc biệt là về các vụ án tham nhũng  lớn, những vụ án xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi ích hợp pháp của công dân qua hoạt động họp báo, thực hiện quy chế phát ngôn…

P.Thảo