Giúp bà Trương Mỹ Lan vay 1.720 tỷ, đại gia dầu khí xin không bồi thường
(Dân trí) - Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan lập 37 hồ sơ vay 1.720 tỷ đồng và đã sử dụng 443,6 tỷ đồng. Ra tòa, người này nói không tư lợi cá nhân nên đề nghị HĐXX xem xét.
Ngày 6/11, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
Theo đó, tòa dành trọn thời gian để xét hỏi 25 bị cáo bị tòa sơ thẩm cáo buộc phạm tội Vi phạm quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan tới hoạt động ngân hàng.
Xin miễn án phí
Trong số các bị cáo được tòa xét hỏi có bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương) bị cáo buộc giúp bà Trương Mỹ Lan lập 37 hồ sơ vay 1.720 tỷ đồng. Trong đó, tiền được SCB giải ngân, ông Tùng và công ty của mình đã sử dụng 443,6 tỷ đồng.
Với hành vi trên, bị cáo Tùng bị TAND TPHCM tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng
Bản án sơ thẩm xác định, ông Tùng tin tưởng nên đã thực hiện theo yêu cầu của bà Lan, do đó, tòa chỉ thu hồi tiền gốc (đối với tiền lãi bà Lan chịu trách nhiệm). Từ đó, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên buộc ông Tùng và Công ty dầu khí Đông Phương phải bồi hoàn cho SCB số tiền 443,6 tỷ đồng. Số tiền trên sẽ được khấu trừ vào trách nhiệm của bị cáo Lan trong toàn vụ án.
Ngoài ra, tòa còn buộc ông Nguyễn Thanh Tùng phải chịu 551 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Sau phán quyết trên, ông Tùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin miễn án phí.
Tại tòa, bị cáo Tùng giữ nguyên kháng cáo, trình bày một số tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội, đã nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả của vụ án...
Về số tiền 443,6 tỷ đồng phải bồi hoàn cho SCB, ông Tùng khai không sử dụng cho mục đích cá nhân, đề nghị xem xét lại vì ông vay để Công ty Đông Phương sử dụng nộp vào ngân sách Nhà nước. Từ đó, bị cáo này cho rằng không có nghĩa vụ liên đới bồi thường số tiền trên cho SCB.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng trình bày phía Công ty Đông Phương sử dụng số tiền trên nên phải có nghĩa vụ đóng hơn 500 triệu tiền án phí chứ không phải ông.
Về trình bày của bị cáo Tùng, HĐXX cho rằng, người này đã giúp Trương Mỹ Lan lập hồ sơ vay khống, được hưởng lợi lớn, còn nội dung xin miễn án phí sẽ được tòa xem xét theo quy định của pháp luật.
Những bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trình bày về nguyên nhân, bối cảnh phạm tội, nộp thêm tiền khắc phục hậu quả và đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc trong quá trình lượng hình.
Đại diện VKS cho rằng, trong vụ án này, mỗi bị cáo có vai trò riêng và là các mắt xích quan trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều bị cáo không có nghĩa vụ bồi hoàn nhưng tự nguyện nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả là thể hiện sự ăn năn, hối cải.
Bà Trương Mỹ Lan muốn thi hành án chủ động
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, đã có đơn đề nghị thi hành án chủ động để khắc phục hậu quả vụ án gửi đến Cục THADS TPHCM.
Theo đơn đề nghị, bản án sơ thẩm giai đoạn 1 ngày 11/4 buộc bà Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.849 tỷ đồng (480.679 tỷ đồng tiền gốc và 193.169 tỷ đồng tiền lãi).
Bản án sơ thẩm giai đoạn 2 ngày 17/10/2024 buộc bà Lan phải bồi thường hơn 30.092 tỷ đồng cho các bị hại.
Bà Lan kính đề nghị Cục THADS TPHCM quan tâm, tạo điều kiện cho bà được thực hiện thi hành án chủ động theo nguyện vọng nhằm khắc phục hậu quả vụ án triệt để và nhanh chóng.
Cụ thể, ưu tiên thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của bản án sơ thẩm giai đoạn 2 với số tiền hơn 30.092 tỷ đồng cho bị hại trái phiếu. Số tiền khắc phục lấy từ các khoản tiền và tài sản do gia đình bà chủ động nộp hoặc chuyển nhượng tài sản cho các đối tác đã nộp vào tài khoản của Cục từ sau khi xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 đến nay. Theo bà, số tiền này hơn 3.967 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có các khoản tiền của bà Lan hoặc tiền được cơ quan điều tra xác định liên quan đến bà đã bị thu giữ, phong tỏa. Các khoản tiền do các đối tác, khách hàng mượn hoặc do bà Lan góp vốn hợp tác kinh doanh đã được tòa tuyên phải thu hồi.
Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng còn một số khoản tiền, tài sản do cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa nhưng chưa được nêu đầy đủ trong các phụ lục bản án. Bà Lan đề nghị Cục THADS chủ động phối hợp với gia đình bà và các cơ quan liên quan để đối chiếu, thu hồi triệt để.
Đối với phần trách nhiệm dân sự hơn 673.849 tỷ đồng của bản án sơ thẩm giai đoạn 1, bà Lan kính đề nghị Cục THADS TPHCM ưu tiên xử lý tài sản khắc phục nợ gốc theo thứ tự ưu tiên.