Bà Trương Mỹ Lan nêu lý do vung tiền cho nhân viên
(Dân trí) - Bà Trương Mỹ Lan khai vào năm 2022, có nhiều người ở nước ngoài muốn đầu tư vào SCB nên bà đã cho ông Trương Khánh Hoàng 100 tỷ đồng, Bùi Anh Dũng 40 tỷ đồng…
Trong thời gian làm việc buổi chiều 5/11, HĐXX phiên tòa phúc thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 dành nhiều thời gian cho các luật sư hỏi thân chủ liên quan tới cáo buộc.
Cho tiền toàn bộ nhân viên SCB
Hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch SCB) được bà Trương Mỹ Lan cho 40 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Dũng nói không nhớ rõ được bà Lan cho 4 tỷ hay 40 tỷ đồng và đề nghị HĐXX xem xét.
Về lời khai này, bà Trương Mỹ Lan nói mình cho tiền rất nhiều người nên không nhớ cụ thể, nhưng bà nhớ cho nhiều nhất là 2 tỷ đồng (thưởng Tết 2 năm là 4 tỷ đồng).
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) thừa nhận được bà Lan cho 300.000 cổ phiếu (tương đương 3 tỷ đồng) nhưng quá trình điều tra bị ngăn chặn 470.000 cổ phiếu. Người phụ nữ này đồng ý dùng những tài sản trên để khắc phục hậu quả vụ án.
Còn bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB) được bà Lan cho 100 triệu cổ phần (100 tỷ đồng). Bị cáo đồng ý hoàn trả lại tài sản để khắc phục hậu quả của vụ án và nói SCB là công cụ tài chính cho Vạn Thịnh Phát nói chung và bà Trương Mỹ Lan nói riêng.
Bị cáo Hoàng mong HĐXX xem xét nhìn nhận, đánh giá hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội, phân hóa vai trò tội phạm để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Người này nói cả 2 giai đoạn của vụ án mình bị phạt 41 năm tù (tổng hợp tù có thời hạn không quá 30 năm tù) nên việc giảm án chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần.
Tại tòa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) khai không rõ lý do bà Lan cho tiền những nhân viên tại SCB. Đồng thời, ông Văn nói ngoài tiền lương ra, ông không được hưởng những lợi ích khác.
Liên quan những vấn đề trên, bị cáo Lan trình bày, bà không có người thân làm việc tại SCB. Từ thời điểm bà tham gia vào tái cơ cấu nhà băng này, SCB rất khó khăn, nên những lãnh đạo làm việc tại đây phải gánh chịu nhiều áp lực, người nào cũng làm được một thời gian ngắn đều xin nghỉ.
Lý giải về việc không cho tiền ông Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo Lan nói: "Bị cáo đâu có thừa tiền để vung lung tung".
Tiếp đó, bà chủ Vạn Thịnh Phát khai vào năm 2022, có nhiều người ở nước ngoài muốn đầu tư vào SCB nên bà đã cho nhân viên tài sản là các cổ phiếu và thời điểm đó ông Văn đã nghỉ việc.
Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng mình cho tiền toàn bộ nhân viên, người lao động tại SCB chứ không phải chỉ cho lãnh đạo cấp cao.
Bà Trương Mỹ Lan không đồng ý giao tài sản cho SCB
Trong buổi làm việc chiều nay, luật sư Phan Trung Hoài hỏi bà Lan liên quan tới những tài sản trong vụ án.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bà Trương Mỹ Lan cho rằng, 1.121 mã tài sản được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá 295.000 tỷ đồng. Song, theo bà, riêng 4 dự án lớn của bà, Công ty Hoàng Quân định giá đã chênh lệch 190.000 tỷ đồng.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát cho rằng, đối với tài sản là bất động sản, chỉ cần bán 10% thì đã được 500.000 tỷ đồng. Đối với tài sản là cổ phần, cổ phiếu chỉ cần bán chưa đến 10% thì đã được 100.000-200.000 tỷ đồng.
Bà Lan cho biết, bà có đơn xin được tham gia vào việc xử lý tài sản để thu hồi tài sản tối ưu nhất. Bà Lan nói bà có những tài sản không thế chấp ở SCB như dự án 30ha cảng Sài Gòn, dự án Amigo, dự án Mũi đèn đỏ… Đây là các dự án bà đã đền bù hàng chục năm nay, mua từ những người nhỏ lẻ mới hình thành bộ mặt dự án.
Bị cáo không đồng ý để SCB xử lý tài sản vì bà cho rằng SCB không có kinh nghiệm. "SCB sẽ xử lý theo quy trình của ngân hàng, phát mãi từng sổ như vậy sẽ trở lại trạng thái như lúc đầu, lãng phí tài sản quốc gia", bà Lan nói.
Chồng bà Trương Mỹ Lan nộp thêm 2,5 tỷ đồng
Theo bản án sơ thẩm, ông Chu Lập Cơ có các hành vi sai phạm gây thiệt hại hơn 39.000 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB, bao gồm tiền gốc và lãi. Nhà chức trách xác định, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do ông Cơ ký hợp thức thủ tục là hơn 39.000 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo được định giá bởi bên thứ 3 và được SCB chấp nhận, thiệt hại liên đới còn lại là hơn 9.100 tỷ đồng.
Với hành vi trên, ông Cơ bị TAND TPHCM tuyên phạt 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tại tòa, ông Chu Lập Cơ nói bản án 9 năm tù là quá nghiêm khắc nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Cơ trình bày lại nguyên nhân, bối cảnh phạm tội đề nghị HĐXX cân nhắc trong quá trình lượng hình.
Bên cạnh đó, ông Cơ nói mình là người nước ngoài, hiểu biết pháp luật hạn chế, trong quá trình ký duyệt các hồ sơ đã thận trọng, tham vấn chuyên gia.
Khi được tòa hỏi về tình tiết mới, ông Cơ nói các luật sư bào chữa cho mình sẽ trình bày.
Theo đó, luật sư nói ông Cơ đề nghị xem xét vai trò thứ yếu trong vụ án. Đồng thời, sau phiên tòa sơ thẩm, chồng bà Lan đã nộp 2,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả và nộp một số huân chương, bằng khen.
Ngày mai (6/11), HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi các bị cáo có hành vi sai phạm trong quá trình cấp tín dụng.