1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Giám đốc doanh nghiệp nhà nước “ém” hơn 16 tỉ đồng, đốt sạch vào chứng khoán

(Dân trí) - Nhận hơn 31 tỉ đồng thanh toán tiền hàng của đối tác nhưng Huỳnh Văn Tuông chỉ đưa về công ty gần 15 tỉ đồng, số còn lại Tuông chơi chứng khoán thua lỗ hết.

Ngày 23/4, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Tuông (nguyên Giám đốc chi nhánh Hạ Long - công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long) 14 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Tuông lãnh 14 năm tù.
Bị cáo Tuông lãnh 14 năm tù.

Theo cáo trạng, chi nhánh Hạ Long - Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long (công ty thủy sản Hạ Long) là đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 100% vốn nhà nước. Chi nhánh này do Huỳnh Văn Tuông làm Giám đốc, trong thời gian từ tháng 10/2008 đến tháng 6/2016 đã xảy ra một số chuyện tiêu cực, gây thất thoát tài sản.

Ngày 27/9/2016, lãnh đạo công ty Hạ Long đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ và xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Văn Tuông theo quy định pháp luật và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Quá trình điều tra xác định, trong các năm 2013 và 2014, Huỳnh Văn Tuông đại diện cho chi nhánh ký 11 bản hợp đồng và 43 phụ lục hợp đồng mua bán sắt thép, trị giá trên 96,3 tỉ đồng với công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại Dũng Đại Phát do ông Vương Đức Dũng làm giám đốc.

Theo thông lệ mua bán giữa 2 bên, việc thanh toán hợp đồng sẽ thực hiện qua chuyển khoản. Tuy nhiên, Huỳnh Văn Tuông đã yêu cầu ông Vương Đức Dũng trả bằng tiền mặt. Tính đến 30/6/2016, ông Vương Đức Dũng đã thanh toán hơn 31 tỉ đồng mua sắt thép nhưng ông Tuông chỉ chuyển về chi nhánh hơn 14,7 tỉ đồng, còn lại khoản tiền hơn 16,3 tỉ đồng, Tuông sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo quy định của công ty thủy sản Hạ Long, hàng quý, các chi nhánh phải có báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh. Để che giấu việc "ém nhẹm" tiền bán hàng, Huỳnh Văn Tuông đã nhờ ông Vương Đức Dũng ký xác nhận công nợ theo sổ sách kế toán thể hiện công ty của ông Dũng vẫn đang nợ tiền mua thép của chi nhánh Hạ Long.

Từ tháng 6/2015, ông Vương Đức Dũng đã đề nghị Tuông làm rõ tại sao đã trả nhiều tiền mua thép nhưng đơn vị vẫn báo là công nợ của ông vẫn còn nhiều. Lúc này, Huỳnh Văn Tuông mới nói cho Dũng biết việc bị cáo sử dụng phần lớn khoản tiền để trả nợ cho việc chơi chứng khoán bị thua lỗ và tiếp tục nhờ Dũng ký tiếp vào các văn bản xác nhận để đối phó với với công ty.

Để ông Dũng yên tâm, Tuông cũng đã làm thêm một văn bản xác nhận dư nợ thực tế với công ty Dũng Đại Phát. Do cả nể nên ông Dũng đã ký vào các biên bản xác nhận dư nợ theo sổ sách của chi nhánh Hạ Long.

Cáo trạng xác định, Huỳnh Văn Tuông mở tài khoản và giao dịch tại công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sacombank từ tháng 2/2007. Tính đến cuối tháng 5/2012, số tiền thua lỗ do mua bán cổ phiếu thể hiện trên tài khoản của ông Tuông là hơn 7,5 tỉ đồng. Riêng việc kinh doanh cổ phần trên thị trường OTC không xác định được vì phần này không được theo dõi trên hệ thống của công ty chứng khoán.

Trong quá trình xét xử, nhận thấy lãnh đạo công ty Hạ Long và ông Vương Đức Dũng có dấu hiệu đồng phạm, giúp sức bị cáo Tuông phạm tội, sau khi tuyên án, thẩm phán Vũ Thanh Lâm đã kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ hành vi của lãnh đạo công ty Hạ Long và ông Vương Đức Dũng, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Xuân Duy