1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát
  3. Xét xử đại án Việt Á

Kon Tum:

Giám định pháp y "lộn" bị hại

(Dân trí)- Mặc dù người bị hại là Bạch Đăng Sang, nhưng kết quả giám định pháp y lại là một tên khác, tuy vậy cơ quan hành pháp vẫn mang vụ án ra xét xử. Chỉ đến khi không biết tìm bị hại ở đâu thì Hội đồng xét xử mới cho hoãn phiên tòa.

Theo lịch thì vào lúc 13h30’ ngày 9/4, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đưa vụ án “cố ý gây thương tích” với bị hại là Bạch Đăng Sang ra xét xử, tuy nhiên đến giờ phút chót, Hội đồng xét xử (HĐXX) buộc phải tuyên hoãn phiên tòa bởi lý do chẳng biết tìm bị hại ở đâu(?).

Trước đó, khoảng 21h30’ ngày 16/8/2012, nhóm thanh niên ở làng Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, TP. Kon Tum) gồm Siu Phi ( 1995), Siu Thyl (SN 1997), A Gầm (SN 1994), A Bin (SN 1997), A Luân (SN 1992) và A Sử (SN 1996) tụ tập nhậu tại một quán trên địa bàn.

Thấy Bạch Đăng Sang (SN 1988, trú thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) cùng nhóm bạn đi ngang qua. Phi chủ động mời Sang vào làm vài ly giao lưu, nhưng cách mời của Phi đã khiến Sang phật lòng rồi bỏ đi.

Khoảng 23h cùng ngày, nhóm Phi thấy nhóm Sang đang ở nhà nghỉ Quảng Nam (phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum. Nhóm Phi cầm rựa, mã tấu và gạch đá xông vào chém nhiều nhát khắp người Sang. Sang nén đau bỏ chạy thoát thân.

Nhóm Phi tại phiên tòa
Nhóm Phi tại phiên tòa

Đến trưa ngày 17/8/2012, nhóm của Phi bị cơ quan Công an bắt giữ. Cùng ngày, thượng tá Trần Thanh Nhã- phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an TP. Kon Tum đã ra văn bản số 200, quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật của bị hại Bạch Đăng Sang.

Tuy nhiên, văn bản số 124/GD-PY ngày 18/8/2012, của Giám định viên pháp y Lê Vĩnh Lạc căn cứ theo quyết định trưng cầu số 200 của Công an TP. Kon Tum để giám định cho Bạch Đăng Sang lại đưa ra một cái tên lạ hoắc: Nguyễn Thành Lâm (sinh năm 1985, trú thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang)với tỷ lệ thương tật tạm thời là 33%?!? Chứ không phải là Sang.

Mặc dù chưa biết thương tật của bị hại Sang có đủ tỷ lệ để truy tố trách nhiệm hình sự cho nhóm Phi hay không, nhưng vào ngày 11/12/2012, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an TP. Kon Tum đã lấy kết quả của bản giám định pháp y số 124/GD-PY nói trên để ra bản kết luận điều tra số 15/KLĐT đề nghị truy tố 6 bị can như đã nêu về tội “cố ý gây thương tích” bằng cách “đắp” tỉ lệ 33% thương tật tạm thời của Lâm sang cho Sang?!?.

Biên bản giám định pháp y với tỷ lệ thương tật của Nguyễn Thành Lâm.
Biên bản giám định pháp y với tỷ lệ thương tật của Nguyễn Thành Lâm.

Để ra bản cáo trạng số 16/KSĐT ngày 11/1/2013, nhằm truy tố nhóm của Phi, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Kon Tum cũng đã lấy “căn cứ” thương tật của Lâm theo bản giám định pháp y số 124 làm tỷ lệ thương tật cho Sang.

Và cơ quan thứ 4 là TAND TP. Kon Tum cũng đã chấp nhận những sai lầm trên để đưa ra xét xử vụ án. Tuy nhiên, khi vụ án được tiến hành đưa ra xét xử thì đã bị hoãn vì công an tìm mãi mà không thấy bị hại Bạch Đăng Sang đang ở đâu.

Bản cáo trạng với tỷ lệ thương tật của Lâm được đắp sang cho Sang
Bản cáo trạng với tỷ lệ thương tật của Lâm được "đắp" sang cho Sang

Ông Lê Đình Quốc- Đoàn luật sư Gia Lai cho rằng: Vụ án này được đánh giá là có tính chất giản đơn, song ba cơ quan chức năng là Công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Kon Tum và Hội đồng giám định y khoa tỉnh này đã khẩn trương vào cuộc bất chấp cả ngày nghỉ theo quy định (kết quả giám định pháp y ban hành ngày 18/8/2012 là thứ bảy) liệu có vội vàng không?

Bên cạnh đó, việc cơ quan công an trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật bị hại mà gửi đến Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Kon Tum là đã gửi sai địa chỉ.
Bởi theo chức năng được quy định thì Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh giám định thương tật, bệnh tật, bệnh nghề nghiệp và khả năng lao động đối với thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên, xuất ngũ bị bệnh cũ, vết thương cũ tái phát, công nhân, viên chức Nhà nước (kể cả biên chế trung ương đóng tại địa phương) và những người được hưởng chính sách, chế độ như thương binh…

"Tại sao cơ quan điều tra có thể nhầm lẫn đưa Nguyễn Thành Lâm đi giám định tỉ lệ thương tích để rồi lấy kết quả thương tích của anh này ấn định là của anh Sang. Câu hỏi được đặt ra ở đây, cơ quan tố tụng dựa vào đâu mà truy tố 6 bị can như đã nêu theo khoản 3 điều 104 BLHS? Nhỡ tỉ lệ thương tích của bị hại dưới 11% thì sao và nếu cơ quan công an không tìm ra bị hại, hay tồi tệ hơn là chẳng còn bị hại nữa thì làm sao xử các bị can trên được- ông Quốc đặt câu hỏi.

Thiên Thư