1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Giá như con biết nghe lời mẹ!

(Dân trí) - ‘’Giá như con an phận. Giá như con biết nghe lời mẹ. Giá như con đừng theo bạn bè. Giá như con biết thương mẹ thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay?’’, Nguyễn Vĩnh N. trăn trở trong 4 bức tường trại giam khi nghĩ về người mẹ của mình.

Giá như con biết nghe lời mẹ!
Chồng chết sớm, một mình mẹ gồng gánh nuôi anh em N. ăn học những mong con thành đạt, nên người (ảnh minh họa).

Những điều tưởng chừng như đơn giản như thế nhưng mãi đến khi ngồi trong 4 bức tường của trại giam, Nguyễn Vĩnh N. (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) mới thấm thía. Trong 4 bức tường lạnh lẽo ấy, khi nỗi ân hận giày vò, khi hình ảnh người mẹ hanh gầy theo thời gian ám ảnh mỗi đêm, N. đã viết nên những dòng tâm sự từ tận đáy lòng của một đứa con hư gửi người mẹ đã hi sinh cả đời, thay chồng nuôi dạy con.

Nguyễn Vĩnh N. sinh ra trong một gia đình gia giáo. Mẹ N. vốn là giáo viên. Đồng lương giáo viên tuy eo hẹp nhưng mẹ N. không bao giờ để cho các con phải thiếu thốn hay tủi hổ với bạn bè. Bữa cơm tuy đạm bạc thôi nhưng gia đình nhỏ của N. luôn ngập trong tiếng cười.

“Con thật là hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố và mẹ là người nhà nước, được mẹ uốn nắn từng ngày để con học giỏi bằng bạn bằng bè. Mẹ luôn dạy dỗ con biết ứng xử và sống sao cho hợp lẽ tình người. Dù khó khăn vất vả và sớm chiều trước giông bão cuộc đời nhưng khi bên mẹ con thấy bình yên lạ thường”, N. viết.

Trong bức thư của N. hình ảnh người mẹ hiện ra rất đỗi bình dị nhưng tấm lòng của bà thật bao la. Ngày chồng đổ bệnh hiểm nghèo, bà ngược xuôi chạy chữa hầu mong cứu sống được chồng. Nhưng rồi, tất cả hi vọng và sự cố gắng của bà đã không được đền đáp. Chồng mất đi, bà cáng đáng cuộc sống gia đình và thay chồng nuôi dạy 2 người con nên người. Bao nhiêu vốn liếng tích góp được bà dồn cho việc học hành và chăm lo cho sự nghiệp của các con.

Vậy nhưng, đứa con út được bà yêu chiều, nâng niu, chăm bẵm đó đã không tự vượt qua được những vui thú của bản thân. Mặc dù đồng lương giáo viên eo hẹp nhưng bà chưa từng để cho con phải thiếu thốn. Nhưng với N. đồng tiền mồ hôi nước mắt, đồng tiền chắt góp bằng dáng hình liêu xiêu của mẹ bên trang giáo án giữa đêm khuya, đồng tiền “bán phổi” trên bục giảng của mẹ không đủ để N. thỏa mãn thú vui cá nhân.

Theo bạn bè xấu, N. dần đánh mất hình ảnh của một đứa con ngoan, biết nghe lời. Trong một lần cùng với các "anh em chiến hữu’’ đi đòi nợ thuê, N. bị bắt. Với hành vi cưỡng đoạt tài sản, N. bị tuyên phạt 3 năm tù giam. Mẹ N. đã khóc cạn nước mắt vì giận con. Giận bao nhiêu thì bà thương con bấy nhiêu. Thu xếp được thời gian, bà vượt hàng chục cây số lên thăm và động viên con cải tạo tốt. Chứng kiến mẹ hao gầy theo tháng năm, N. đã khóc, giọt nước mắt hối hận không thể xóa đi nỗi đau mà N. đã gây ra cho đấng sinh thành của mình.

Giá như con biết nghe lời mẹ!
Những dòng thư của đứa con ngỗ ngược khi đã ở trong 4 bức tường trại giam mới thấu hiểu được tình yêu bao la mẹ giành cho.

‘’Giờ đây, khi đang ngồi trong bốn bức tường trại giam mà con vẫn không tin nổi mình đang là người mang thân tù tội. Chắc lòng mẹ đau xót vô ngần vì đứa con hư mà mẹ thương yêu hơn cả chính bản thân mình. Nay con phải trả giá vì những hành vi nông nổi đã gây ra cho xã hội sau song sắt nhà giam.

Cứ mỗi khi đêm về lòng con lại giá buốt sự cô đơn. Cũng bởi vậy mà con mới thấm thía được những lời ru ngày nào của mẹ ‘’Ầu ơ! Cá không ăn muối cá ươn. Không nghe lời mẹ trăm đường con hư’’, N. viết trong bức thư gửi mẹ.

Trong 4 bức tường trại giam, N. hồi tưởng nhiều hơn về ngày xưa – cũng chưa xa lắm khi N. được mẹ bao bọc. Ngày ấy, ăn không đủ no, mặc không dủ ấm và mẹ N. đã bươn chải để nuôi các con khôn lớn. Bao nhiêu vất vả, bao nhiêu khổ cực bà đã nhận về phần mình để nuôi tươi lai con đẹp hơn. Thế nhưng, sự hi sinh ấy, niềm hy vọng rất đỗi chính đáng của người mẹ đã không được đứa con mình yêu thương đền đáp.

N. viết ‘‘Chắc mẹ đã hi vọng về con nhiều lắm phải không. Vậy mà con đã không biết nâng niu tình thương yêu ấy. Có lúc còn cãi lời mẹ, không nghe lời mẹ, để giờ đây sự đã rồi. Con biết làm sao được hả mẹ?

Xin mẹ hãy tha thứ lỗi lầm của con. Xin cảm ơn tất cả khó khăn cuộc đời đã đến với con, đã cho con bài học lớn lao này. Cảm ơn cuộc đời đã cho con nhìn thấy tình yêu thương của mẹ. Con có lỗi với mẹ nhiều lắm… nhiều lắm… mẹ ơi’’.

Hoàng Lam