1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Ghi hình điều tra viên tiếp xúc bị can

Theo đề xuất của VKSND TP.HCM, việc ghi hình điều tra viên, kiểm sát viên làm việc với bị can sẽ tránh được điều tiếng cơ quan tố tụng lạm quyền, bức cung, mớm cung.

Trong hai ngày 16 và 17-1, VKSND Tối cao đã tổng kết công tác kiểm sát năm 2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014. Tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương nỗ lực và kết quả kiểm sát, công tố đạt được của ngành.

Cụ thể, ngành đã rút ngắn tiến độ giải quyết án, ngăn chặn, khắc phục sự lạm quyền, xâm phạm các quyền dân chủ của công dân, không làm oan người vô tội. Đồng thời, Chủ tịch nước chỉ đạo ngành kiểm sát tập trung tăng cường kiểm sát điều tra, trách nhiệm công tố, bảo đảm phát hiện tội phạm kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chống bỏ lọt tội phạm. Ngành phải kỷ luật và xử lý nghiêm minh những cán bộ để xảy ra oan sai hoặc sót, lọt tội phạm, cán bộ thoái hóa, biến chất.

Bắt, tạm giam phải đúng lý và có tình

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cho biết: Toàn bộ án hình sự đều được kiểm sát điều tra ngay từ khi khởi tố nhằm khắc phục, hạn chế việc cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố oan sai, truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, truy tố đúng tội danh đạt 99,7%. Tuy nhiên, còn 46 bị can phải đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm. CQĐT đình chỉ 38 bị can, VKS đình chỉ tám bị can, giảm 48 bị can (51%) so với năm 2012.

Ghi hình điều tra viên tiếp xúc bị can

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương ngành kiểm sát về những nỗ lực và kết quả đã đạt được trong năm 2013. Ảnh: BM

Theo Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế-chức vụ (VKSND Tối cao) Nguyễn Mạnh Hiền, việc phê chuẩn lệnh bắt, tạm giam phải đúng lý, hợp tình, kiên quyết từ chối phê chuẩn việc bắt, tạm giam bị can chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới ba tuổi… Đối với những trường hợp phức tạp về chứng cứ, tội danh, hai ngành VKSND Tối cao - Bộ Công an phải thảo luận thống nhất phương án xử lý. VKS cũng kiên quyết không phê chuẩn khởi tố với những trường hợp chưa đủ căn cứ, tài liệu.

Ông Hiền nhận định: “Kiểm sát chặt ngay từ khâu khởi tố sẽ hạn chế thấp nhất việc khởi tố oan và tránh tình trạng hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm, phải đình chỉ điều tra bị can”.

CQĐT không khởi tố, VKS lo bỏ lọt tội phạm

Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Hiền cũng cho biết BLTTHS quy định VKS chỉ được phép ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong hai trường hợp hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hoặc do HĐXX yêu cầu khởi tố là chưa đảm bảo để VKS đủ công cụ chống bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ nếu VKS phát hiện tội phạm và yêu cầu mà CQĐT không khởi tố vụ án thì VKS không thể trực tiếp khởi tố vụ án, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Chưa kể Thông tư liên tịch 05/2005/VKSNDTC-BCA-BQP về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS cũng chưa quy định cụ thể thời hạn CQĐT phải thực hiện hoặc trả lời các yêu cầu của VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ, hủy bỏ, bổ sung quyết định khởi tố theo yêu cầu của VKS. Từ đó dẫn đến vụ án kéo dài và VKS cũng không có căn cứ để thực hiện thẩm quyền của mình là hủy bỏ quyết định thiếu căn cứ, trái pháp luật.

Ngoài ra, theo BLTTHS và Thông tư liên tịch 05 nêu trên thì VKS chỉ có thể yêu cầu CQĐT khởi tố bị can sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà phát hiện có thêm người khác thực hiện hành vi phạm tội. “Vậy là quá chậm, chưa đảm bảo yêu cầu chống bỏ lọt tội phạm kịp thời” - ông nêu.

Nên ghi hình khi tiếp xúc bị can

Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa Vũ Duy Hòa nói thẳng: Các cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng phải đúng nguyên tắc, thực hiện đúng chức năng. Không phối hợp chặt mà để cát cứ “quyền anh, quyền tôi” sẽ làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngược lại, phối hợp vô nguyên tắc sẽ nảy sinh tình trạng “vỗ vai, bỏ qua” cho nhau, dẫn đến bỏ lọt tội phạm, nguy hiểm hơn có thể làm oan người vô tội. Thực tế, những năm gần đây việc phối hợp giữa VKS - CQĐT tỉnh Thanh Hóa ngày càng hiệu quả nhưng kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng mà VKS ban hành ngày càng tăng (2011: 199 kiến nghị, năm 2012: 278 kiến nghị, năm 2013: 303 kiến nghị).

Theo Viện trưởng VKSND TP.HCM Phạm Văn Gòn, trong việc kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát hoạt động điều tra, vẫn có những điều tiếng dư luận hoài nghi cơ quan tố tụng lạm quyền, xâm phạm quyền lợi bị can, bức cung, mớm cung. Để đảm bảo minh bạch, chống những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp thì khi điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư tiếp xúc với bị can cần ghi hình lại. Vì cũng có khi luật sư tiếp xúc bị can đã chuyển điện thoại liên lạc, thông cung…

Theo BÌNH MINH
PLHCM