1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Nội:

Gần 20 m2 đất bị 7 quyết định “quay” như chong chóng

(Dân trí) - Quanh một bản cam kết mượn 17,3 m2 đất ngộ nhận giữa 2 gia đình, 7 quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên tục “đá” nhau đã khiến người dân thêm hoang mang và không biết đâu là sự nghiêm minh của pháp luật.

Đại diện cho ông Nguyễn Văn Khoan, ông Nguyễn Văn Trọng (em trai ông Khoan, trú tại 67A phố Yên Phụ, quận Tây Hồ) đã liên tục gửi đơn khiếu nại về cách giải quyết tiền hậu bất nhất của các cơ quan chức năng UBND TP Hà Nội khiến gia đình ông có nguy cơ phải ra đường.

Theo trình bày của ông Trọng: từ năm 1967, ông Nguyễn Văn Khoan và gia đình đã quản lý, sử dụng ngôi nhà có diện tích 17,3 m2 tại số 65 phố Yên Phụ và thời gian trước đó, cô ruột ông Khoan là bà Nguyễn Thị Mỹ đã quản lý từ năm 1958 (theo các hồ sơ đây là đất công do nhà nước quản lý).

Sau 17 năm sử dụng, năm 1984 ngôi nhà lá này gặp bão đổ sập nên gia đình ông Khoan phải sửa chữa xây dựng lại. Tuy nhiên, khi xin ý kiến các hộ liền kề thì ông Đỗ Hữu Tần (nguyên Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ) đã không tạo điều kiện và gây khó khăn buộc gia đình ông Trọng phải viết cam kết “mượn đất của ông Tần”.

Sau quá trình sử dụng lâu dài đến đầu những năm 2000, gia đình ông Tần bất ngờ gửi đơn đi nhiều nơi cho rằng diện tích 17,3 m2 trên mà ông Khoan đang quản lý sử dụng là của mình và yêu cầu chính quyền can thiệp để gia đình ông Khoan trả lại đất.

Ngày 13/11/2002, UBND quận Tây Hồ có văn bản số 1495/QĐ-UB với nội dung bác đơn khiếu nại của ông Đỗ Hữu Tần đòi diện tích 17,3 m2 trên. Ngày 16/12/2002, UBND quận Tây Hồ tiếp tục có văn bản 1780 giữ nguyên nội dung quyết định trên với lý do diện tích 17,3 m2 này có nguồn gốc là đất công và gia đình ông Khoan đã quản lý sử dụng từ năm 1967 nên đề nghị của ông Tần là không có cơ sở.

Tiếp đó, ngày 21/10/2004, Thanh tra TP Hà Nội cũng có văn bản số 1081 nêu nguồn gốc diện tích đất trên là đất công nên gia đình ông Tần yêu cầu gia đình ông Khoan ký cam kết là ngộ nhận. Diện tích 17,3m2 đất trên của gia đình ông Khoan cần được hợp thức hoá quyền sử dụng đất. Do vụ việc tiếp tục khiếu kiện kéo dài nên năm 2004, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Thanh tra kiểm tra kết luận theo quan điểm trên.

Tuy nhiên, đến năm 2006, UBND TP Hà Nội lại ra quyết định số 1590 ngày 31/3/2006 và công nhận bản cam kết, thoả thuận về quyền sử dụng 17,3 m2 đất giữa gia đình ông Khoan - ông Tần và yêu cầu gia đình ông Khoan trả lại đất.

Mặc dù đã có quyết định của thành phố nhưng ông Tần vẫn khởi kiện ra Toà dân sự. Trong bản án sơ thẩm của TAND quận Tây Hồ và bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đều tuyên buộc gia đình ông Khoan trả lại đất cho gia đình ông Tần.

Không nhất trí với 2 phán quyết trên, ngày 19/11/2007, TANDTC đã có bản án giám đốc thẩm tuyên huỷ bản án của cấp sơ thẩm, phúc thẩm và đình chỉ vụ kiện. Nội dung bản án giám đốc thẩm nói rõ: “Theo Sở Quản lý Nhà đất (nay là Sở TNMT - PV), nguồn gốc diện tích đất tại 65 Yên Phụ là đất công, do nhà nước quản lý. Vì vậy yêu cầu đòi đất của gia đình ông Tần là không có cơ sở”.

Căn cứ vào bản án Giám đốc thẩm, ngày 25/7/2008, UBND TP Hà Nội lại ra quyết định 2998/QĐ-UB bãi bỏ quyết định số 1590 của UBND TP Hà Nội.

Sự “bất nhất” này không chỉ dừng lại ở đó, đến ngày 15/12/2009, TANDTC lại có văn bản số 381 thông báo nội dung cuộc họp giữa TANDTC và một số đơn vị của UBND TP Hà Nội rằng: “Phần nhận định trong quyết định Giám đốc thẩm vượt quá thẩm quyền, không đúng quy định tại điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự”.

Văn bản này nêu: TANDTC đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục giải quyết đơn của ông Tần về việc đòi quyền sử dụng đất tại 65 Yên Phụ. Căn cứ vào đó, ngày 4/5/2010, UBND TP Hà Nội lại ra quyết định số 1974 bác bỏ quyết định 2998 và phục hồi giá trị pháp lý của văn bản 1590.

Trước việc tranh chấp tưởng như rất nhỏ nhưng có tới 7 văn bản xử lý liên tiếp “đá” nhau, anh Nguyễn Minh Vũ (con trai ông Khoan) cho biết: “gia đình đang tính tới việc khởi kiện những người kí quyết định trái pháp luật ra tòa”.
 
Đánh giá về văn bản số 381 trên, Luật sư Xuân Bính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói: “Thông báo này là trái pháp luật bởi mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ nội dung của Quyết định giám đốc thẩm. Nếu muốn thay đổi hoặc bác bỏ nội dung của bản án Giám đốc thẩm thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC phải ra kháng nghị hoặc cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội yêu cầu. Tiếp sau đó TANDTC phải mở phiên Giám đốc thẩm khác theo trình tự Tái thẩm để xem xét nội dung bản án giám đốc thẩm trước đó.

H. Ngân