1. Dòng sự kiện:
  2. Xét xử vụ án FLC
  3. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam
  4. Vụ án đầu độc người thân bằng xyanua

Em gái Trịnh Văn Quyết khai "làm công ăn lương, không được hưởng lợi"

Nguyễn Hải Hải Nam

(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết, khai chỉ làm công ăn lương, mặc dù là anh chị em ruột nhưng không được bàn bạc về công việc, không được hưởng lợi gì.

Chiều 22/7, phiên xét xử 50 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán,... xảy ra tại Tập đoàn FLC bước sang phần xét hỏi. 

Trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết), khai khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo xác nhận 6 chữ ký của mình đã ký vào các hợp đồng ủy thác. Song bà Nga không nhớ ký vào thời điểm nào.

Em gái Trịnh Văn Quyết khai làm công ăn lương, không được hưởng lợi - 1

Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN).

Tổng giá trị của các hợp đồng này là hơn 360 tỷ đồng. Do không nhớ thời điểm ký hợp đồng nên bà Nga không biết mục đích của việc này là gì. 

"Lúc ký, Huế (Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột bị cáo Quyết và Nga) không nói với bị cáo ký để làm gì. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới xác nhận chữ ký và lần đầu tiên được biết các hợp đồng này", bị cáo Nga khai.

Ngoài việc tự ký các hợp đồng ủy thác, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS còn nhờ nhân viên của FLC làm việc này.

Theo đề nghị của Trịnh Thị Minh Huế, bà Nga còn mượn chứng minh thư, thông tin cá nhân của 2 nhân viên trong công ty để Huế mở tài khoản chứng khoán. 

Em gái Trịnh Văn Quyết khai làm công ăn lương, không được hưởng lợi - 2

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN)

Sau đó, Huế dùng thông tin cá nhân của các nhân viên để lập hợp đồng ủy thác đầu tư.

HĐXX: Thực tế bị cáo có nhận khoản tiền nào của Công ty Faros chuyển đến không?

- Bị cáo không.

HĐXX: Mục đích ký những hợp đồng này để làm gì?

- Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo được biết các hợp đồng này để góp vốn, nâng vốn cho công ty. 

HĐXX: Ai là người đề nghị ký các hợp đồng này?

- Tất cả hồ sơ do Trịnh Thị Minh Huế chuyển đến.

HĐXX: Trịnh Văn Quyết có nhờ không?

- Bản thân bị cáo Quyết không trực tiếp nhờ nhưng bị cáo hiểu chủ trương là của anh trai (Trịnh Văn Quyết). 

Tại tòa, bà Nga khai thời điểm bị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán đang giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS kiêm thành viên Hội đồng quản trị.

Quá trình làm việc tại Công ty Chứng khoán BOS, bị cáo Nga có cấp sức mua khống cho các tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý. 

Song bà Nga không nhớ được tổng số bao nhiêu tài khoản. 

Em gái Trịnh Văn Quyết khai làm công ăn lương, không được hưởng lợi - 3

Bị cáo Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Đầu ngày, Huế sẽ báo các tài khoản cần cấp bao nhiêu tiền. Sau đó bị cáo truyền đạt thông tin này cho các quản lý", bị cáo Nga trình bày và cho biết, khi cấp sức mua có tài khoản không đủ tiền, thiếu tài sản đảm bảo.

Đối với các tài khoản thiếu tiền, thiếu tài khoản đảm bảo, bị cáo Nga trao đổi với phòng dịch vụ chứng khoán để cấp sức mua cho những tài khoản này.

Hàng ngày, nhóm dịch vụ khách hàng và kế toán thường trao đổi công việc với nhau trên nhóm Viber. 

Những người trong nhóm Viber có biết việc mua, bán chứng khoán thiếu tiền, thiếu tài khoản đảm bảo.

HĐXX: Bị cáo được hưởng lợi gì từ những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán?

- Bị cáo không được hưởng lợi gì. Bị cáo chỉ làm công ăn lương, mặc dù là anh chị em ruột nhưng bị cáo không được bàn bạc về công việc, không được hưởng lợi gì. Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, xin HĐXX xem xét.

Tại tòa, bị cáo Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị tập đoàn FLC, khai cá nhân không góp vốn vào Công ty Faros. 

Trước năm 2017, bà Dung đại diện pháp luật cho 3 công ty. Những công ty này sau đó nhận chuyển nhượng cổ phần từ Công ty Faros.

Do không phụ trách về mảng tài chính nên bà Dung không nắm được việc chuyển tiền, chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty Faros với 3 công ty này diễn ra như thế nào.

Làm việc với cơ quan điều tra, bà Dung mới biết trên thực tế, 3 công ty mà mình đại diện pháp luật không chuyển tiền cho Công ty Faros. 

"Quá trình làm việc tại tập đoàn, bị cáo phụ trách mảng xúc tiến đầu tư và phát triển dự án. Khi bị cáo đứng tên 3 công ty là theo chỉ đạo của bị cáo Quyết để hỗ trợ thủ tục đầu tư, thủ tục pháp lý cho những dự án mà các công ty này làm chủ đầu tư. 

Thực tế việc quản lý, điều hành 3 công ty bị cáo không nắm được", bà Kiều Dung trình bày.