1. Dòng sự kiện:
  2. Xét xử vụ án FLC
  3. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Động thái kỳ lạ của cựu Cục phó Bộ Tài chính trong vụ Xuyên Việt Oil

Hải Nam

(Dân trí) - Theo kết luận điều tra, trong lần kiểm tra năm 2019, ông Khôi phát hiện sai phạm của Xuyên Việt Oil nhưng không xử lý, cũng từ chối nhận hối lộ. Nhưng đến năm 2021, ông này đã nhận 20.000 USD.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố một bị can tại Bộ Tài chính, đó là cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đặng Công Khôi, về tội Nhận hối lộ.

Theo kết luận điều tra, với vị trí Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông Khôi có trách nhiệm kiểm tra, giám sát Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) tại các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Xuyên Việt Oil.

Ông Khôi cũng là người trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Phòng Giá hàng tư liệu sản xuất từ tháng 10/2017. Đây là Phòng có chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ BOG.

Động thái kỳ lạ của cựu Cục phó Bộ Tài chính trong vụ Xuyên Việt Oil - 1

Ông Đặng Công Khôi (Ảnh: T.C.).

Từ tháng 10/2017 đến đầu năm 2023, Xuyên Việt Oil và ngân hàng không thực hiện gửi sao kê tài khoản Quỹ BOG đến Cục Quản lý giá theo quy định.

Dù được lãnh đạo Phòng Giá hàng tư liệu sản xuất và chuyên viên phụ trách theo dõi Quỹ báo cáo, ông Khôi không chỉ đạo áp dụng biện pháp xử lý kịp thời, không nhắc nhở Xuyên Việt Oil chấp hành quy định pháp luật.

Từ đó, Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Xuyên Việt Oil) đã chiếm dụng, sử dụng trái phép số tiền phải trích nộp vào tài khoản Quỹ BOG.

Ngoài ra, theo kết luận điều tra, ngày 10/6/2019, ông Khôi làm Trưởng Đoàn kiểm tra tại Xuyên Việt Oil và đã phát hiện việc doanh nghiệp này không nộp tiền vào Quỹ BOG. Tuy nhiên, bị can này không kiến nghị, đề xuất xử lý, cũng không nhận tiền hối lộ do Hạnh đưa.

Đến ngày 25/3/2021, ông Khôi tiếp tục làm Trưởng Đoàn kiểm tra tại Xuyên Việt Oil và cũng phát hiện ra hành vi tương tự năm 2019. Tuy nhiên lúc này, ông Khôi đã nhận 20.000 USD từ Xuyên Việt Oil.

Kết luận điều tra chỉ ra, khi ông Khôi yêu cầu Xuyên Việt Oil phải nộp tiền vào Quỹ BOG, Hạnh đã bàn bạc với Đinh Tiến Dũng (kế toán trưởng) về việc chi hối lộ cho vị Cục phó để xin bỏ qua.

Sau đó, theo chỉ đạo của Hạnh, Dũng gặp Nguyễn Thị Minh Huyền (kế toán) nhận 50.000 USD. Sáng 26/3/2021, tại Nhà khách Quốc hội (ở quận 3, TPHCM). Dũng đưa cho ông Khôi 20.000 USD, mang 30.000 USD còn lại trả cho Hạnh.

Theo kết luận điều tra, Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 219 tỷ đồng tiền Quỹ BOG.

Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ tháng 8/2016 và được cấp lại vào tháng 11/2021. Đến năm 2023, doanh nghiệp này có 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 9 công ty liên quan.

Sau khi được cấp giấy phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ BOG và quản lý, sử dụng tiền Quỹ này tại Xuyên Việt Oil, từ đó làm trái các quy định về trích lập, quản lý, sử dụng.

Kết luận điều tra cáo buộc Hạnh không chỉ đạo nhân viên trích lập Quỹ BOG theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương mà chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền từ tài khoản của Xuyên Việt Oil vào tài khoản cá nhân của Hạnh, sau đó dùng tiền vào các mục đích cá nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Trong công văn gửi Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương ngày 31/5/2023, Hạnh chỉ đạo cấp dưới báo cáo số dư Quỹ BOG của công ty là 219 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, 3 tài khoản Quỹ BOG do Xuyên Việt quản lý chỉ có vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng.