1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Doanh nghiệp tài trợ 8 triệu USD để tỉnh tổ chức thi hoa hậu nên được chọn?

Trung Thi

(Dân trí) - Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng kêu oan tại tòa vì cho rằng những việc mình làm ở dự án Trường Chính trị đều nằm trong khuôn khổ của pháp luật.

Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Thủ tướng cho phép chỉ định thầu

Chiều 23/12, HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong vụ án liên quan sai phạm tại dự án Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.

Khi thẩm phán hỏi ông Thắng căn cứ việc chỉ định nhà đầu tư để thực hiện Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) dự án Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, ông Thắng trình bày, căn cứ vào sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ thông qua văn bản 1191.

"Ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét và quyết định việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp Hợp đồng BT… theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án", ông Thắng nêu nội dung văn bản 1191.

Doanh nghiệp tài trợ 8 triệu USD để tỉnh tổ chức thi hoa hậu nên được chọn? - 1

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).

Ngoài ra, bị cáo Thắng còn cho rằng tại thời điểm đó, Trường Chính trị đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng nên được đưa vào diện dự án cấp bách phải xây dựng, từ đó thực hiện chỉ định thầu.

HĐXX tiếp tục hỏi, vì sao tại thời điểm đó có 2 doanh nghiệp đăng ký để thực hiện dự án, nhưng ông không tổ chức đấu thầu mà lại chỉ định?

Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa thừa nhận đúng là có 2 doanh nghiệp đăng ký, tuy nhiên khi so sánh, ông tự nhận thấy Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Hoàn Cầu) có năng lực hơn.

"Thủ tướng đã cho phép tôi thực hiện chỉ định thầu. Công ty Hoàn Cầu có năng lực, kinh nghiệm đầu tư nhiều dự án tại Khánh Hòa. Ngoài ra, công ty này còn tài trợ cho tỉnh 8 triệu USD để tổ chức thi hoa hậu, nên tôi chọn Công ty Hoàn Cầu mà không chọn Công ty Đông Đô" - bị cáo Thắng trình bày.

Sau khi chỉ định thầu là Công ty Hoàn Cầu, doanh nghiệp này đã xin được liên danh với Công ty Cổ phần Thanh Yến để thực hiện dự án.

Ông Thắng cũng trình bày việc cho Công ty Cổ phần Thanh Yến xác định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất và ấn định giá trị khu đất được cố định, ổn định trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng nhằm mục đích đảm bảo cân bằng dự án BT cho nhà đầu tư.

Đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng bị cáo Thắng nói việc Trường Chính trị xuống cấp để đưa vào dự án cấp bách là không đúng theo quy định hiện hành.

Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa khi thực hiện dự án BT trên phải áp dụng quy định tại Nghị định 108. Tuy nhiên bị cáo Thắng lại áp dụng một quyết định khác nhưng không báo cáo, xin phép Thủ tướng.

Ngoài ra, bị cáo nói Công ty Đông Đô không có năng lực, nhưng chưa có văn bản nào đánh giá công ty này là hết sức vô lý. "Việc làm của bị cáo là dựa vào cảm tính" - đại diện VKS nêu.

Cựu Chủ tịch tỉnh kêu oan

Thẩm phán phiên tòa hỏi ông Thắng có đồng ý với những gì VKSND tỉnh Khánh Hòa cáo buộc, ông Thắng nói "không đồng ý".

Doanh nghiệp tài trợ 8 triệu USD để tỉnh tổ chức thi hoa hậu nên được chọn? - 2

HĐXX trong phiên tòa xét xử 13 bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).

Bị cáo Thắng cho biết khi bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", tại cơ quan điều tra, ông Thắng có thừa nhận mình thực hiện chỉ định thầu thay vì đấu thầu.

Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận tất cả hồ sơ của vụ án, ông Thắng thấy bản thân mình chỉ định thầu đều trong khuôn khổ của pháp luật "chứ không phải tự đặt ra".

"Tôi không nhớ hết việc mình làm nên mới nhận tội, nhưng sau này, tiếp cận được các hồ sơ vụ án thì thấy mình làm theo quy định của pháp luật, từ đó nhận thức bản thân bị oan" - cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói.

HĐXX tiếp tục hỏi, bị cáo đã khắc phục hậu quả hay chưa? Ông Thắng trả lời "đã khắc phục 300 triệu đồng".

Được hỏi tiếp vì sao thấy mình oan nhưng lại đi nộp tiền khắc phục? Bị cáo Thắng nói sợ bản thân có sai nên cứ khắc phục trước đã.

"Nếu sau này xác định tôi oan thì cho tôi xin lại số tiền 300 triệu đã khắc phục. Đây là tiền gia đình tôi mượn của bà con chứ tài sản của hai vợ chồng đã bị kê biên hết rồi" - ông Thắng trình bày trước tòa.