1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đó là tội ác!

Vợ chồng giận nhau, có kẻ tức giận ném chết con, có kẻ ép con cùng tự tử... Dù biện minh thế nào, hành động đó cũng là tội ác và khó nhận được sự tha thứ...

Ngày 23-8, một bé gái mới 4 ngày tuổi, chưa kịp được đặt tên đã bị người cha nhẫn tâm ném xuống đất khiến cháu bé bị chấn thương sọ não, hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Những vụ án đau lòng

Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này chỉ vì L.V.L (ngụ huyện Mỏ Cày Nam - Bến Tre, cha cháu bé) uống rượu, cãi nhau với vợ rồi tức giận giật cháu bé ném xuống đất.

Cách đây không lâu, ngày 23-6, một bé gái 10 tháng tuổi cũng bị chính cha ruột ném xuống nền nhà gây chấn thương sọ não. Theo lời chị Đ.T.K.C (mẹ cháu bé, ngụ xã Hòa Bình, TP Kon Tum), chị thường xuyên bị chồng là Đ.A.K bạo hành. Vì không thể chịu đựng nổi, chị phải đưa con qua nhà cha mẹ ruột. Cũng vì vậy mà K. tìm đến gây chuyện và nhẫn tâm ném con vì vợ không chịu quay về.

Cũng vì vợ chồng xích mích, ngày 5-8, M.T.T (SN 1995, ngụ huyện Bù Đốp - Bình Phước) đã giết con rồi tự tử. T. được cứu sống nhưng con trai (4 tháng tuổi) phải chết oan uổng bởi thuốc trừ sâu bị mẹ ép uống.

Chiều 8-7, do mâu thuẫn với chồng, chị P.T.P (ngụ huyện Yên Thành - Nghệ An)   đã đi mua thuốc diệt chuột về pha trong sữa ép 4 con  (lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi) cùng uống. Rất may hàng xóm phát hiện kịp thời, cả 5 mẹ con thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Minh họa: NGUYỄN TÀI
Minh họa: NGUYỄN TÀI

Bài học từ các phiên tòa

TAND tỉnh Bình Dương mới đây mở phiên tòa lưu động xét xử  và tuyên phạt bị cáo N. K.L (SN 1985) 12 năm tù về tội “Giết người”.

Theo nội dung vụ án, sau khi sinh con, vợ của N.K.L về nhà mẹ ở. Nhớ vợ con, N.K.L đón xe từ Bình Phước về Bình Dương thăm vợ. Vừa vào đến nhà, mẹ vợ N.K.L đã lên tiếng hỏi: “Mới có mấy ngày mà đã xuống làm gì?”. Tiếp đó, khi N.K.L nài nỉ vợ đưa con về Bình Phước chơi, vợ N.K.L dứt khoát không đồng ý, đồng thời tỏ ra chê bai số tiền 100.000 đồng mà N.K.L đưa vợ để mua sữa cho con.

Vợ chồng lớn tiếng gây gổ, N.K.L đến võng dự định ẵm con để “nựng một chút” nhưng bị cả vợ và mẹ vợ can ngăn, nhất định đòi lại và lớn tiếng kêu la khi N.K.L ẵm con trên tay. Tức giận, N.K.L nâng con lên cao ngang đầu và thả xuống đất. Cháu bé tử vong sau đó. Tại phiên tòa, N.K.L cho rằng vì bệnh tật nên không làm ra tiền khiến vợ coi thường. Trong khi đó, vợ N.K.L cho rằng chồng làm phụ hồ được bao nhiêu tiền đều chơi game nên mâu thuẫn vợ chồng ngày một trầm trọng. Hai người lớn đổ lỗi cho nhau, còn cháu bé vô tội bỗng dưng bị tước đoạt mạng sống chỉ vì sự giận dỗi của người lớn.

N.V.L (SN 1982, ngụ Đồng Tháp) nhiều lần bật khóc trước phiên tòa phúc thẩm khi nhắc đến đứa con tội nghiệp bị chính N.V.L dùng xăng đổ vào người, châm lửa đốt chết. “Bị cáo cũng muốn chết lắm. Nhưng ông trời không cho bị cáo được chết... Bị cáo đau đớn lắm…” - N.V.L thổn thức. Thương con, không đành lòng khi nhìn thấy vết tích đòn roi trên thân thể ốm yếu của con, N.V.L đã giành lại việc nuôi con từ vợ, sau khi cả hai ly dị.

Nhưng trong một lúc túng quẫn vì thất nghiệp, N.V.L uống rượu rồi nảy sinh ý định tự tử cùng con, như là cách để giải thoát. Sau khi sai con đi mua xăng về, N.V.L đổ lên người hai cha con, rồi bật lửa đốt.N.V.L đã không được giải thoát như anh ta mong muốn, ngược lại con trai của N.V.L phải chết oan uổng.

LUẬT SƯ LÊ NGUYỄN QUỲNH THI, ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM:

Dằn vặt suốt đời

Có nhiều nguyên nhân, động cơ dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo nhưng cho dù ở hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng không được phép tước đoạt sinh mạng của con. Trẻ em không đủ sức phản kháng hoặc khả năng tự vệ, lại càng không có tội, không chịu trách nhiệm trước những mâu thuẫn hay khó khăn của người lớn. Cho dù các bậc làm cha mẹ ấy có thật sự ăn năn hối hận vì không làm chủ bản thân mà gây ra hậu quả đáng tiếc; cho dù họ nhận ra bài học đắt giá từ cách ứng xử thiếu tế nhị của mình trong cuộc sống vợ chồng và cho dù sau này họ sẽ có cuộc sống mới với những đứa con khác thì nỗi ám ảnh về cái chết oan uổng của đứa con bé bỏng sẽ dằn vặt họ đến hết cuộc đời.

Nhận bào chữa cho những vụ án như thế thực sự là áp lực lớn cho luật sư. Dù chúng tôi phải làm đúng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật (ví dụ tìm những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo) nhưng quả thật không gì có thể biện minh cho hành vi nhẫn tâm, vô cảm ấy.

 

Theo HUỲNH HIẾU
Người lao động