1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đình chỉ vụ án người phụ nữ bị bắt vì đi xe máy đụng phải… ô tô

(Dân trí) - Công an huyện Củ Chi nhận định do chuyển biến tình hình, hành vi của Bé Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội nên ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.

Hành vi không còn nguy hiểm

Ngày 15/8, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Củ Chi đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Thạch Thị Bé Trúc (sinh năm 1994 tại ngụ tỉnh Long An) về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong quyết định đình chỉ, cơ quan điều tra nhận định “trong quá trình điều tra do chuyển biến tình hình mà hành vi của Bé Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa, phần dân sự đã giải quyết dứt điểm nên Bé Trúc có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS và điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can”.

truc_phik

Thạch Thị Bé Trúc cùng luật sư nhận quyết định đình chỉ vụ án.

Trúc cho biết sẽ làm đơn khiếu nại lý do đình chỉ điều tra của Công an huyện Củ Chi vì cô khẳng định rằng cô bị oan, cô không có lỗi trong vụ tai nạn giao thông chết người này.

Theo nội dung vụ án, vào lúc 22h ngày 27/3/2015, Trúc chạy xe máy chở bạn là Ngọc đi trên đường nông thôn. Khi đến ngã tư, băng qua đường Trần Văn Chẩm (huyện Củ Chi, TPHCM), xe của Trúc va chạm với ô tô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ tai nạn làm chị Ngọc tử vong tại bệnh viện sau 4 ngày chữa trị.

Theo cáo trạng, Trúc có lỗi chính, điều khiển xe máy “không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ”.

Còn tài xế ô tô, cáo trạng xác định là “có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái” nhưng không bị truy tố hình sự.

Tháng 3/2016, Viện KSND huyện Củ Chi gọi Trúc lên làm việc rồi bắt tạm giam ngay tại chỗ dù lúc này cô đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng (theo luật phải cho tại ngoại điều tra).

Kiên quyết truy cứu trách nhiệm

Mãi 9 tháng sau (ngày 23/1/2017), sau khi báo chí lên tiếng thì cơ quan điều tra mới cho Trúc tại ngoại với lý do “đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi”.

Tháng 5/2016, TAND huyện Củ Chi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này lần đầu. Sau đó Tòa đã trả hồ sơ vụ án, yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định tốc độ của xe ô tô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai của người làm chứng. Theo lời bị cáo Trúc thì thời điểm xảy ra tai nạn người điều khiển ô tô không chịu xuống xe, người dân xung quanh phải đập cửa ô tô gọi xuống.

Tháng 9/2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên xử sơ thẩm lần hai và tiếp tục trả hồ sơ vì các yêu cầu của tòa trong lần trả hồ sơ thứ nhất chưa được cơ quan điều tra, Viện KSND đáp ứng.

Đến phiên tòa sơ thẩm lần ba mới đây, cơ quan điều tra và Viện KSND cũng vẫn không chịu trưng cầu giám định tốc độ ô tô, không lấy lời khai nhân chứng theo yêu cầu của toà.

Tháng 1/2017, tòa có thêm một yêu cầu là cơ quan điều tra phải làm rõ người lái xe ô tô gây tai nạn có đúng là Huỳnh Nhật Hoài hay không (ngoài năm sinh 1979 thì cáo trạng không nêu thông tin nào khác về nhân thân ông Hoài).

Bởi lẽ, tại phiên tòa, bị cáo Trúc khẳng định người lái chiếc ô tô lúc va chạm không phải là ông Hoài này mà là một người đàn ông tên Tùng. Ô tô chạy qua ngã tư với tốc độ rất cao và không mở đèn xe (thời điểm xảy ra tai nạn là 22h tối). Những tình tiết này đều không được cơ quan điều tra, Viện KSND ghi nhận trong hồ sơ vụ án.

Sau quá trình điều tra bổ sung, Viện KSND huyện Củ Chi tiếp tục truy tố Trúc. Theo đó, cáo trạng mới khẳng định không giám định được tốc độ ô tô vì… ô tô không chịu thắng, hiện trường không có vết thắng.

Về lý do không điều tra được tài xế có say xỉn hay không, cơ quan điều tra giải thích là sau tai nạn, Hoài đến công an xã trình báo sự việc rồi.. cơ quan điều tra cho về. Mãi 3 ngày sau, Hoài mới đến Công an huyện làm việc nên… không thể đo được nồng độ cồn.

Một chi tiết rất lạ nữa là bà Đinh Thị Thắng (mẹ của nạn nhân Ngọc) cho biết không hề đòi Trúc bồi thường chi phí nhưng trong cáo trạng của Viện KSND huyện Củ Chi lại nêu là có.

Bà Thắng phản đối việc cáo trạng ghi rằng bà yêu cầu Trúc bồi thường chi phí mai táng: “Tôi đâu có đòi Trúc đền tiền. Nghe nói cáo trạng ghi tôi đòi Trúc bồi thường, thiệt là nghiệt ngã quá!”.

Sau nhiều lần mở tòa nhưng có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên TAND huyện Củ Chi tiếp tục trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra cùng cấp, yêu cầu điều tra lại.

Xuân Duy