1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Điều tra vụ huy động vốn 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op

Xuân Duy

(Dân trí) - Cơ quan điều tra đang thu thập tài liệu để xác định nguồn gốc 3.000 tỷ đồng mà các cá nhân và công ty góp vốn vào Saigon Co.op hồi tháng 3/2016.

Cơ quan An ninh điều tra vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Diệp Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op) và 2 đồng phạm về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Liên quan tới vụ án, bị can Hồ Mỹ Hòa (Giám đốc tài chính Saigon Co.op), cùng 5 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều tra vụ huy động vốn 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op - 1

Ông Diệp Dũng trước khi bị bắt (Ảnh: A.X).

Theo kết luận điều tra, tháng 2/2016, Hội đồng quản trị (HĐQT) Saigon Co.op đã họp và thông qua nghị quyết thống nhất phương án thực hiện thương vụ mua bán sáp nhập Big C Việt Nam và huy động vốn để thực hiện. 

Ngày 4/3/2016, HĐQT Saigon Co.op tiếp tục họp thông qua nghị quyết, quyết nghị chọn Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt tổ chức việc thu xếp vốn. Cùng ngày, bị can Diệp Dũng tự ý ký công văn gửi "Quý nhà đầu tư tiềm năng", thông báo triển khai huy động vốn 2 đợt với số tiền 10.000 tỷ đồng, mục đích đặt cọc cho thương vụ mua lại hệ thống bán lẻ Big C tại Việt Nam.

Theo nội dung công văn này, ông Diệp Dũng thông báo số tài khoản nhận tiền góp vốn của Saigon Co.op được mở tại một ngân hàng TMCP tại TPHCM. 

Tiếp đó, ngày 10/3/2016, tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op nhận được 3.000 tỷ đồng thông qua 55 giao dịch nộp tiền mặt của 10 cá nhân và 5 giao dịch chuyển khoản của 5 công ty. 

Ngày 19/8/2016, bị can Diệp Dũng không thông qua HĐQT đã tự ý lấy 1.000 tỷ đồng từ 3.000 tỷ đồng huy động vốn, đặt cọc cho thương vụ mua lại chuỗi Big C Việt Nam.

Sau đó, bị can Dũng tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới số tiền 1.000 tỷ trên. Thực tế, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa các bên là việc Diệp Dũng lấy 1.000 tỷ đồng để cho vay, với lãi suất 7%/năm. 

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á, Công ty Đô Thị Mới, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm. Tuy nhiên, sau đó bị can Diệp Dũng cũng tự ý ký thỏa thuận bổ sung điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm xuống còn 0%/năm, gây thiệt hại cho Saigon Co.op gần 115,7 tỷ đồng (trong đó thiệt hại về thuế là hơn 29,7 tỷ đồng).

Đến tháng 9/2016, tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op tiếp tục nhận 1.000 tỷ đồng chuyển khoản của 2 công ty. Qua xác minh, Cơ quan điều tra xác định 1.000 tỷ đồng này là của Công ty Đại Á, Công ty Đô Thị Mới có được từ việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Saigon Co.op, sau đó thông qua công ty và cá nhân khác để góp vốn trở lại vào Saigon Co.op nhằm nâng tổng số tiền góp vào Saigon Co.op lên 4.000 tỷ đồng. 

Kết luận điều tra nêu rõ, Cơ quan An ninh điều tra đang tiến hành điều tra, thu thập tài liệu để xác định nguồn gốc 3.000 tỷ đồng mà các cá nhân và công ty góp vốn vào Saigon Co.op (vào tháng 3/2016); làm rõ trách nhiệm của ngân hàng và các cá nhân có liên quan đến việc ký 2 hợp đồng hợp tác đầu tư trên để xử lý theo quy định.