Điều tra viên còn dùng thủ thuật đối phó luật sư

Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư (LS) do Liên đoàn LS Việt Nam vừa tổ chức, nhiều LS cho biết họ vẫn bị CQĐT gây khó khăn nên việc bảo vệ quyền lợi hợp phápcủa thân chủ chưa được như mong muốn.

LS Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn LS TP Hà Nội) kể: Trong vụ PMU 18, ông bào chữa cho Tôn Anh Dũng (Dũng “Huế”), khi vào trại giam gặp thân chủ, ông được một điều tra viên (ĐTV) đưa đi “làm cung”. ĐTV rất lịch sự mời LS ngồi uống nước chờ khoảng 30 phút để vào dọn dẹp vệ sinh phòng cung. Sau đó ĐTV trân trọng mời LS vào. Vừa gặp LS, Dũng “Huế” đã nói: “Rất cảm ơn LS đã đến nhưng tôi biết LS nhiều việc nên không nhất thiết bất cứ buổi cung nào LS cũng phải tham gia”. Về sau LS mới biết lúc ĐTV đi “dọn vệ sinh” cũng chính là lúc vị này dặn Dũng “Huế” rằng nếu muốn thuận lợi sau này thì phải nói với LS như thế.

Thực tế này, theo LS Thiệp, xuất phát từ nhận thức của một số ĐTV về nghề LS không đúng khi nghĩ LS luôn “cản mũi” hoạt động điều tra. “Thậm chí ĐTV còn nghĩ xấu về LS” - LS Thiệp kể tiếp: “Tôi tiếp xúc với một chị kế toán của một công ty có hành vi mua bán hóa đơn để hợp thức hóa chứng từ cho doanh nghiệp. Sau khi nghe chị kế toán trình bày, tôi nhận định chị có dấu hiệu phạm tội nên khuyên chị mau về nhà vì nếu lúc ĐTV đến mà chị không có nhà thì sẽ không tốt. Chị kế toán đó nói mình đã có thai mấy tuần. Tôi nói: “Tốt, chị nên đi khám ngay và lấy kết quả”. Lúc ĐTV đến nhà, nghe chị kế toán kể đã đi gặp LS và được LS tư vấn về dấu hiệu phạm tội, khuyên đi khám thai, vị ĐTV đó đã thốt lên: “Không lẽ LS tốt thế à, tử tế thế à!””.

LS Lưu Văn Tám (Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kể: Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, LS Phan Trung Hoài (hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) cũng phải chờ ròng rã tám tháng trời mới được cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải. LS Nguyễn Thị Dung (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Kon Tum) cũng chia sẻ: Có những cán bộ tố tụng còn nói thẳng với người bị tạm giam là nếu mời LS thì sẽ bị kết án nặng…

Theo một số LS khác, ĐTV thường không mời LS dự cung từ đầu, chỉ đến khi gần kết cung mới mời LS vào. Khi kết cung ĐTV thường hỏi bị cáo có khỏe không, có đồng ý LS không, các bản cung của các bị cáo trước đây có chỗ nào bị ép cung, dùng nhục hình không… Thế là bị cáo cứ răm rắp nói “không có” do được dặn dò từ trước.

Cũng theo các LS, một trong những điều mà kiểm sát viên (KSV) thường hay nói với các LS khi gặp ý kiến trái chiều với kết luận điều tra, cáo trạng là “đằng nào cũng chả sang tòa”. LS Nguyễn Huy Thiệp kể: Khi đọc kết luận điều tra một vụ án, ông đã có quan điểm là hành vi của bị can không cấu thành tội lừa đảo vì thiếu yếu tố chiếm đoạt. Tuy nhiên, KSV nói: “Thôi, đằng nào cũng sang tòa” và lưu kiến nghị của LS trong hồ sơ. Cuối cùng khi sang tòa, tòa đồng ý ngay với kiến nghị của LS và trả hồ sơ để điều tra lại. “Nếu VKS chấp nhận ý kiến của LS thì vừa đỡ phải điều tra lại, vừa bớt thời hạn tạm giam cho bị can” - LS Thiệp nói.

LS Nguyễn Thị Kim Thanh (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội) thì nhận xét hiện nay các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho LS hành nghề so với trước. Tuy nhiên, có nhiều vụ án dân sự, thẩm phán biết rằng bản án được tuyên sẽ bị hủy nhưng vẫn cứ tuyên. Đến khi tòa cấp trên trả vụ án về thì quyền lợi của các bên mới được bảo vệ...

Bảo vệ quyền con người

Theo Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Tuấn Vũ, thời gian qua TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử nhiều vụ án quan trọng có LS tham gia như vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, vụ Dương Tự Trọng, vụ án tham nhũng tại BV Đa khoa Hoài Đức, vụ Nguyễn Đức Kiên... TAND TP Hà Nội đánh giá các LS đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, giúp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh quá trình giải quyết án, thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật.

“LS là kênh phản biện giúp VKS và CQĐT điều tra, truy tố đúng người, đúng tội. Ngay từ giai đoạn điều tra, đôi khi những người tiến hành tố tụng còn ngại va chạm, ngại khó, ngại khổ… nhưng có các LS thì tình hình sẽ khác. Ngoài việc góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, LS còn góp phần nâng cao dân trí về chấp hành pháp luật. Trong tình hình hội nhập, các LS cần nâng cao hơn nữa kiến thức của mình nhằm phục vụ những yêu cầu hội nhập mới của đất nước” - KSV cao cấp Phương Hữu Oanh (VKSND Tối cao) nhận xét.

Theo CHÂN LUẬN

Pháp luật TP Hồ Chí Minh