Đề nghị phạt cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức 21-23 năm tù
(Dân trí) - Theo VKS, bị cáo Nguyễn Minh Quân là chủ mưu, cầm đầu vụ án nên cần xử lý nghiêm. Vợ bị cáo biết nguồn gốc tài sản nhưng vẫn mua các bất động sản nên bị đề nghị 30-42 tháng tù.
Chiều 30/11, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm) về tội Tham ô tài sản và Rửa tiền bắt đầu tranh luận.
Mở đầu phiên tòa, đại diện VKSND TPHCM phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức hình phạt đối với từng bị cáo.
Theo VKS, trong quá trình làm việc bị cáo Nguyễn Minh Quân đã thành lập hệ thống các công ty để tham gia đấu thầu, nâng khống giá vật tư y tế, chỉ đạo cấp dưới thực hiện sai quy định để công ty "sân sau" của mình trúng thầu và để công ty của bị cáo Quân trúng thầu ngược. Thực tế diễn ra đúng như những gì cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức mong muốn.
Bị cáo Quân là chủ của 4 công ty trực tiếp tham gia đấu thầu. Cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức thuê Nguyễn Văn Lợi làm công cho mình để tham gia đấu thầu, thủ đoạn gian lận để chiếm đoạt số tiền 103 tỷ đồng.
Mặc dù, bị cáo Lợi chuyển cho Quân số tiền 103 tỷ nhưng qua kiểm tra, đối chiếu, Bệnh viện TP Thủ Đức chuyển cho các công ty của Lợi 102 tỷ đồng. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo nên VKS xác định Nguyễn Minh Quân tham ô số tiền 102 tỷ đồng.
VKS cho rằng trong vụ án này Nguyễn Minh Quân là chủ mưu, cầm đầu nên cần xử lý nghiêm.
Cũng theo đại diện cơ quan công tố, bị cáo Lợi là người giúp sức tích cực cho Quân trong việc Tham ô tài sản và Rửa tiền.
Đối với những bị cáo từng là nhân viên Bệnh viện TP Thủ Đức, đại diện VKS cho rằng đã không thực hiện đúng các quy định trong việc đấu thầu gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ Quân) biết nguồn gốc tài sản có được từ hành vi phạm tội nhưng vẫn mua các bất động sản nên đủ căn cứ xác định đồng phạm với ông Quân về tội Rửa tiền.
Trong vụ án này các bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi nhưng vì mục đích tư lợi hoặc nhận thức không đầy đủ nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan công tố xác định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm xã hội, phạm tội nhiều lần, gây bất bình dư luận.
Bên cạnh đó, VKS xác định trong vụ án này các bị cáo thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Bị cáo Quân là bác sĩ giỏi, có công đóng góp lớn trong việc xây dựng Bệnh viện TP Thủ Đức, có nhiều sáng kiến trong công việc khám chữa bệnh, bị cáo đã nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả nên đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.
VKS đánh giá mặc dù bị cáo Quân chưa nộp đủ số tiền tham ô (tham ô 102 tỷ đồng, nộp 500 triệu đồng) nhưng số tài sản kê biên có khả năng đủ để thu hồi nên cần xem xét giảm nhẹ.
Từ những phân tích trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Minh Quân 21-23 năm tù, Nguyễn Văn Lợi 16-18 năm tù về tội Tham ô tài sản và Rửa tiền.
Bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ Quân) bị đề nghị phạt mức án 2 năm 6 tháng đến 3 năm 6 tháng tù về tội Rửa tiền. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị đề nghị mức án 2 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Về dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc Quân bồi thường số tiền 102 tỷ đồng.
Phiên tòa đang bắt đầu tranh luận.
Cáo trạng xác định, bị can Quân đã lợi dụng vị trí giám đốc, người đứng đầu bệnh viện để chỉ đạo, gây sức ép với nhân viên dưới quyền, thành viên các tổ chấm thầu ký hợp thức hóa hồ sơ thầu, "thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu".
Kết quả điều tra xác định từ năm 2016 đến năm 2020, nhóm 4 công ty do Lợi quản lý đã tham gia đấu thầu và mặc định là đơn vị trúng 27/28 gói thầu tại Bệnh viện TP Thủ Đức, tổng giá trị hơn 345,2 tỷ đồng.
Quân chỉ đạo Lợi phải chuyển hoặc rút đưa tiền mặt cho ông ta hoặc Nguyễn Trần Ngọc Diễm.