1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức nói gì về việc sử dụng 2 xe sang?

Xuân Duy

(Dân trí) - Nguyễn Minh Quân khai do thích lái xe nên mượn của Công ty Nguyễn Tâm để thỉnh thoảng đưa vợ, con đi chơi.

Ngày 29/11, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm) về tội Tham ô tài sản và Rửa tiền.

Hai người này bị xét xử theo Điểm a, Khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Liên quan tới vụ án, bị cáo Ngô Trương Ngọc Bích (cựu Trưởng phòng vật tư Bệnh viện TP Thủ Đức) và 5 đồng phạm bị xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (51 tuổi, vợ bị can Quân) bị xét xử về tội Rửa tiền.

Cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức nói gì về việc sử dụng 2 xe sang? - 1

Bị cáo Trần Ngọc Diễm bị xét xử tội Rửa tiền (Ảnh: Xuân Duy).

Bị cáo Nguyễn Minh Quân nhắc đến người bố của mình trong phiên tòa

Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự TAND TP HCM làm chủ tọa, kéo dài đến ngày 1/12. Ngoài HĐXX 5 người còn có 4 kiểm sát viên được phân công giữ quyền công tố tại tòa cùng hai người dự khuyết.

HĐXX đã triệu tập 38 đơn vị, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có UBND, Sở Y tế TP HCM. 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

8h40 phiên tòa bắt đầu. Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Minh Quân khai rõ, to về các thông tin thuộc về nhân thân. Quân cho biết, bố mình bị mất sau khi ông ta bị bắt tạm giam. Cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức khai mình có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và đã nhận được các văn bản tố tụng của tòa.

Tiếp theo, bị cáo Nguyễn Văn Lợi khai khá nhỏ về thông tin cá nhân của mình.

Cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức nói gì về việc sử dụng 2 xe sang? - 2

Bị cáo Nguyễn Văn Lợi tại phiên tòa, sáng 29/11 (Ảnh: Xuân Duy).

Sau khi thẩm tra lý lịch các bị cáo, HĐXX kiểm tra tư cách tham gia tố tụng của người có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Được xác định người liên quan, UBND TP Thủ Đức vắng mặt. Với các công ty do bị cáo Lợi đứng tên, người này khai sau khi mình bị bắt, các công ty không còn hoạt động.

Về việc vắng mặt của một số người liên quan, đại diện VKS cho rằng quá trình điều tra những người liên quan đã có lời khai nên việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan công tố nói nếu trong quá trình xét xử xét thấy cần thiết sẽ đề nghị HĐXX triệu tập những người liên quan vắng mặt.

Trong phần thủ tục, một luật sư đề nghị triệu tập hội đồng định giá. Về vấn đề này, HĐXX không chấp thuận và cho rằng nội dung liên quan giám định sẽ được làm rõ trong quá trình tranh luận.

Bên cạnh đó, có luật sư có đơn xin hoãn phiên tòa. HĐXX cho rằng không có căn cứ chấp thuận. Đại diện VKS bắt đầu công bố cáo trạng.

Ai bị xét xử tội Rửa tiền?

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến năm 2020, Bệnh viện TP Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói mua sắm trang thiết bị y tế, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Trong đó, có 28 gói thầu đã phê duyệt kết quả trúng thầu, hoàn thiện thanh toán với tổng giá trị hơn 346,2 tỷ đồng.

Để can thiệp thâu tóm toàn bộ gói thầu nêu trên, bị can Nguyễn Minh Quân chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi (người làm thuê cho vợ chồng Quân) thành lập, sử dụng các công ty "sân sau".

Khi tham gia đấu thầu trang thiết bị y tế vào Bệnh viện TP Thủ Đức, ông Quân chỉ đạo bị can Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty trong nhóm để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn giá thị trường.

Người này đã sử dụng 3 trong nhóm 4 công ty Lợi quản lý để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống. Khi làm hồ sơ tham gia đấu thầu, Lợi cố tình làm một hồ sơ có tiêu chí tốt hơn hai bộ còn lại, mục đích để một công ty trúng thầu.

Cáo trạng cũng xác định bị can Quân đã lợi dụng vị trí giám đốc, người đứng đầu bệnh viện để chỉ đạo, gây sức ép với nhân viên dưới quyền, thành viên các tổ chấm thầu ký hợp thức hóa hồ sơ thầu, "thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu".

Kết quả điều tra xác định từ năm 2016 đến năm 2020, nhóm 4 công ty do Lợi quản lý đã tham gia đấu thầu và mặc định là đơn vị trúng 27/28 gói thầu tại Bệnh viện TP  Thủ Đức, tổng giá trị hơn 345,2 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí lương, lãi vay ngân hàng, thuế, chi phí văn phòng… số tiền ông Quân chiếm đoạt là 103,6 tỷ đồng.

Quân chỉ đạo Lợi phải chuyển hoặc rút đưa tiền mặt cho ông ta hoặc Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ Quân).

Cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức nói gì về việc sử dụng 2 xe sang? - 3

Cảnh sát áp giải ông Nguyễn Minh Quân tới phiên xét xử (Ảnh: Xuân Duy).

Có tiền trong tay, Quân đã mua biệt thự tại trung tâm TPHCM, TP Nha Trang và các "siêu xe". Cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức không đứng tên mua, không đứng tên sở hữu tài sản nhưng là người quyết định mua.

Theo đó, vợ chồng ông Quân mua thửa đất ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức với giá 11,8 tỷ đồng. Một thời gian sau, nam bị can đã chuyển nhượng khu đất trên cho người khác với giá 19 tỷ đồng. Số tiền thu được, người đàn ông này dùng để "chạy án" nhưng không được, vẫn bị khởi tố, bắt tạm giam.

Vợ chồng ông Quân còn mua căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng thuộc Dự án Vinpeal Golf land Resort & Villas (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với giá trên hợp đồng là 18,5 tỷ đồng, căn biệt thự thuộc dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (quận 1, TPHCM) với giá 99,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Nguyễn Tâm cũng mua 2 ô tô sang hiệu Audi Q7, Mercedes S450.

Về việc mua 2 xe sang, quá trình điều tra bị can Quân khai không chỉ đạo Lợi để mình sử dụng. Đồng thời, cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức nói do thích lái xe nên mượn của Công ty Nguyễn Tâm để thỉnh thoảng đưa vợ, con đi chơi.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của Quân đã phạm vào tội Tham ô tài sản và Rửa tiền. Tuy nhiên Quân chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới nên cần xử lý nghiêm.

Đối với Trần Thị Ngọc Diễm, khi Bệnh viện TP Thủ Đức thanh toán tiền cho các công ty trúng thầu, Diễm yêu cầu Lợi chuyển tiền cho mình. Tổng số tiền Lợi chuyển cho Diễm là 67,9 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của bà Diễm đã phạm tội Rửa tiền với vai trò đồng phạm giúp sức, phục tùng theo sự chỉ đạo của chồng. Tại cơ quan điều tra, bà Diễm có thái độ ăn năn hối cải.