Hòa Bình:
Trả hồ sơ vụ chạy thận làm 9 người tử vong, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa
(Dân trí) - Chiều nay (5/6), Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án chạy thận làm 9 người tử vong xảy ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hôm 29/5/2017. Đồng thời, HĐXX cũng kiến nghị xem xét khởi tố 2 trưởng khoa của bệnh viện này.
3 bị cáo được đưa đến phiên xử chiều nay
Theo HĐXX, đây là vụ án được xã hội quan tâm, gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân gây chết người do tồn dư hóa chất trong đường ống nước chạy thận RO số 2. Phiên tòa diễn ra dân chủ, đúng trình tự pháp luật, tranh tụng công khai, tạo điều kiện cho người tham gia được tranh tụng.
HĐXX xét thấy có dấu hiệu cần làm rõ, cụ thể: Có dấu hiệu vi phạm phạm luật trong tố tụng điều tra; chứng cứ buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương còn chưa được thu thập đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; nhiều tài liệu mới cần được kiểm chứng.
HĐXX trả hồ sơ vụ chạy thận làm 9 người tử vong, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa
HĐXX đề nghị điều tra chứng cứ buộc tội và gỡ tội của bị cáo Hoàng Công Lương; xác định lỗi ra y lệnh của bị cáo Lương, trước khi ra y lệnh bị cáo có báo cáo Khoa Hồi sức tích cực hay không, có báo cáo hệ thống lọc nước RO số 2 có đảm bảo không; làm rõ việc thay đổi lời khai của bị cáo Hoàng Công Lương, hỏi các nhân chứng về việc bị cáo Lương có được phân công quản lý tại Đơn nguyên thận nhân tạo không; Điều tra việc bị cáo Lương ký y lệnh cho bác sĩ Linh và Huyền khi chạy thận cho 18 bệnh nhân sáng 29/5/2017.
Căn cứ Điều 280, Điều 299 Bộ Luật Tố tụng hình sự, căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự thụ lý số: 09/2018/TLST-HS ngày 27/2/2018 cho VKSND TP Hòa Bình để điều tra bổ sung.
Lực lượng chức năng kiểm tra an ninh những người đến tham dự buổi tuyên án chiều nay
Tại phòng xử án số 2, người dân đã đến rất đông để theo dõi phiên toà qua màn hình tivi được tường thuật trực tiếp diễn biến phiên toà.
Đáng chú ý, HĐXX kiến nghị khởi tố, điều tra đối với ông Hoàng Đình Khiếu – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực (Khoa này có 2 đơn nguyên: Thận nhân tạo và Hồi sức tích cực) và ông Trần Văn Thắng – Nguyên Trưởng phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình để làm rõ trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX đề nghị cần điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương, Nguyên Giám đốc bệnh viên đa khoa Hòa Bình; ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên danh, liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng, vật tư y tế. Căn cứ để thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo; có hay không thỏa thuận giữa 2 bên về số tiền này. Làm rõ trách nhiệm đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước phát sinh từ các hợp đồng đã ký kết giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Các bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền và các điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Hậu cũng cần điều tra trong sự liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 sau khi bảo dưỡng, sửa chữa. Đối với ông Hoàng Đình Khiếu, Đinh Tiến Công, Hoàng Công Tình trong việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ của bị cáo Hoàng Công Lương vào các biên bản họp khoa Hồi sức tích cực cuối năm 2015 và 2016.
HĐXX cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đối với: Việc ban hành 2 văn bản số 4342/BYT-PC ngày 2/8/2017 gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và Công văn số 2322/BYT-PC ngày 27/4/2018 gửi công ty luật Nguyễn Chiến có nội dung mâu thuẫn về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO theo tiêu chuẩn AAMI. Chủ trương xã hội hóa của Bộ Y tế trong việc cho các cơ sở công lập thực hiện liên danh, liên kết, góp vốn để mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ có đúng quy định không. Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo trong đó có quy trình kỹ thuật và kiểm soát chất lượng nước RO.
Xem xét trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong việc cấp phép, quản lý thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của BVĐK tỉnh Hòa Bình trong đó có hoạt động thận nhân tạo.
14h22, phiên tòa kết thúc.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án đối với 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc với như sau: Bị cáo Hoàng Công Lương bị đề nghị 30-36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm; bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng Vật tư- Trang thiết bị y tế của BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị đề nghị 4-5 năm tù; bị cáo ông Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) là 5-6 năm tù.
VKS cho biết, qua lần xét hỏi công khai tại phiên tòa, toàn bộ chứng cứ thu thập đã được kiểm tra, đánh giá lại. Trên cơ sở chứng cứ đã thu thập được, qua việc thẩm tra công khai tại phiên tòa, VKS đánh giá: Đối với bị cáo Hoàng Công Lương, bác sỹ điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình, VKS khẳng định việc truy tố bị cáo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng pháp luật.
Tương tự, theo VKS, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”; bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư – Thiết bị BVĐK tỉnh Hòa Bình, VKS bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng pháp luật.
VKS nhận định bị cáo Lương trong quá trình điều tra và xét xử đã không nhận tội nhưng có tình tiết giảm nhẹ là đã tích cực cấp cứu cho bệnh nhân, người nhà nạn nhân xin giảm nhẹ cho bị cáo. Hành vi của các bị cáo Quốc, Sơn, Lương là nguyên nhân dẫn đến 9 người tử vong.
VKS đề nghị BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.
Nguyễn Dương - Trần Thanh - Đàm Quang