1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Vụ chạy thận tử vong: Viện Kiểm sát vẫn buộc tội bác sỹ Hoàng Công Lương

(Dân trí) - Tại tòa, mặc dù các luật sư đưa ra nhiều quan điểm, bằng chứng khẳng định bị cáo Hoàng Công Lương vô tội trong vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình hôm 29/5/2017, nhưng Viện Kiểm sát lại đưa ra hàng loạt quan điểm và khẳng định bị cáo Lương vẫn phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Mặc dù trong phần tranh luận tại các phiên xét xử trước đó, 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã đưa ra nhiều quan điểm, bằng chứng phản bác bản luận tội của VKS, nhưng cuối giờ chiều nay (29/5), đại diện Viện Kiểm sát (VKS) vẫn giữ nguyên quan điểm rằng bị cáo Hoàng Công Lương về mặt bản chất là được phân công phụ trách quản lý tại Đơn nguyên thận nhân tạo của Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình (khoa này có 2 đơn nguyên: Thận nhân tạo và Hồi sức tích cực), do đó, phải có trách nhiệm về sự cố nghiêm trọng nói trên chứ không thể vô tội.

Hoàng Công Lương được giao quản lý Đơn nguyên thận nhân tạo


Đại diện Viện Kiểm sát buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương

Đại diện Viện Kiểm sát buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương

Cụ thể, 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng thân chủ mình không có tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bởi chứng cứ buộc tội bị cáo về dấu hiệu chủ thể đã bị thay đổi và chuyển hóa tại phiên tòa, do vậy không đủ căn cứ để buộc tội.

Tuy nhiên, VKS khẳng định trong luận tội cũng như trong cáo trạng, VKS chưa bao giờ khẳng định Lương được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, mà VKS khẳng định đúng theo những gì mà người liên quan đã khai đó là: Hoàng Công Lương chỉ được giao phụ trách chuyên môn và các hoạt động khác tại Đơn nguyên thận nhân tạo.

Bằng những tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, VKS khẳng định nhiệm của Lương được giao phụ trách chuyên môn và các hoạt động khác tại Đơn nguyên thận nhân tạo bởi các căn cứ sau: Lương có chuyên môn phù hợp nên được Trưởng khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu giao phụ trách chuyên môn và các hoạt động khác tại Đơn nguyên thận nhân tạo; Căn cứ vào lời khai của bị cáo Lương từ ngày 19/6/2017 đến 1/7/2017 đều khai nhận nhiệm vụ được giao.

Đại diện VKS tranh luận tiếp, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, trước khi khởi tố Lương chỉ khai phụ trách chuyên môn điều trị, nhưng theo biên bản tự khai ngày 19/6/2017 Lương khai rất rõ “Tại cuộc họp đầu năm 2017, ông Hoàng Đình Khiếu – PGĐ BV kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực có phân công bằng miệng cho tôi phụ trách chuyên môn về điều trị và quản lý phân công điều trị cho các bác sĩ tại Đơn nguyên thận nhân tạo, còn điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng là quản lý các điều dưỡng khác và chấm công, phân trực”. Do vậy, trong nhiệm vụ này Lương vẫn khai là phù hợp được giao về chuyên môn, phù hợp với VKS đã trình bày.

Một vấn đề nữa VKS đưa ra đó là, ông Hoàng Công Tình (Phó Khoa Hồi sức tích cực), ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực) và ông Hoàng Đình Khiếu tại phiên tòa đã làm rõ đều thừa nhận nhiệm vụ của Lương được giao. Trong đó đáng lưu ý nhất là lời khai của ông Tình, khi xảy ra sự cố, ngay ngày 29/5/2017, ông Tình đã có lời khai cụ thể nhiệm vụ của Lương được giao. Đến ngày 29/6/2017 ông Tình cũng có lời khai cụ thể, Lương có trách nhiệm chính ra y lệnh chạy thận; việc phân công Lương có trách nhiệm ra y lệnh chính là do ông Khiếu phân công bằng miệng và việc ra y lệnh do Lương quyết định hoàn toàn độc lập với Khoa Hồi sức tích cực.

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.

VKS cho biết thêm, ngoài ra, còn có 11 y, bác sĩ của Đơn nguyên thận nhân tạo đều khẳng định nhiệm vụ của Lương được giao. Việc các điều dưỡng thay đổi lời khai là do cơ quan điều tra cho xem biên bản sổ họp giao ban, VKS đánh giá đây không phải là sự thật khách quan bởi các lý do như: Bút lục 1958 thể hiện cơ quan điều tra thu giữ cuốn sổ họp giao ban vào ngày 30/6/2017, nhưng hồ sơ vụ án thể hiện bác sĩ Linh, bác sĩ Huyền, điều dưỡng Điệp có lời khai nhiệm vụ của Lương được giao ở Đơn nguyên thận nhân tạo trước ngày thu sổ giao ban. Do vậy, không thể dựa vào lời khai thay đổi của những người liên quan tại phiên tòa.

Từ những căn cứ nêu trên, VKS khẳng định theo quy chế của bệnh viện, ông Hoàng Đình Khiếu được giao nhiệm vụ cho Lương - đây không phải việc bố trí chức vụ lãnh đạo quản lý mà là phân công cán bộ trong khoa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và nhất định, có việc Lương được giao quyền hạn và nghĩa vụ đó. Thực tế đã chứng minh, Lương là người ra y lệnh cuối cùng, tức là quyết định 18 bệnh nhân có được chạy thận hay không; việc bác sĩ Linh, Huyền sau khi thăm khám bệnh nhân đều phải báo cáo Lương thì y lệnh của mình mới được đưa vào thực hiện.

Hoàng Công Lương phải biết tầm quan trọng của nguồn nước RO số 2

Vị đại diện VKS cho rằng, bị cáo Lương buộc phải biết nguồn nước trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo đúng cáo trạng mà VKS đã nêu bởi các căn cứ sau: Dựa vào quy trình kỹ thuật lọc máu bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo ban hành kèm theo quyết định 3592 cũng như quy trình kỹ thuật lọc máu của BVĐK tỉnh Hòa Bình quy định rất rõ 8 bước trong chạy thận nhân tạo, trong đó có bước 1 kiểm tra máy không còn chất sát trùng. Do vậy, VKS khẳng định rằng, với trình độ chuyên môn, với chức trách nhiệm vụ được giao, bị cáo Lương buộc phải biết tầm quan trọng của nguồn nước RO số 2.

“VKS không cáo buộc Lương phải biết chất lượng nước RO 2 theo tiêu chuẩn nào, chỉ cáo buộc Lương phải biết tầm quan trọng của nguồn nước RO 2, tức là nguồn nước RO 2 phải thực sự đảm bảo trước khi đưa vào cơ thể người bệnh” – đại diện VKS lập luận.

Bị cáo Hoàng Công Lương.
Bị cáo Hoàng Công Lương.

Một vấn đề nữa là bị cáo Lương không kiểm tra thông tin, không báo cáo trưởng khoa, các luật sư cho rằng VKS cáo buộc là khiên cưỡng, VKS có quan điểm như sau: Với vai trò là người ký đề xuất sửa chữa và là người được giao phụ trách chuyên môn, các hoạt động khác tại Đơn nguyên thận nhân tạo, bị cáo Lương biết rõ ngày sửa chữa nên bị cáo không thể nghe được qua lời một điều dưỡng, bị cáo phải nhận thức tầm quan trọng của nguồn nước RO 2 đó là có việc bàn giao hay chưa, có căn cứ nào xác nhận kết quả nguồn nước đã đảm bảo để có thể đưa hệ thống RO số 2 vào vận hành hay chưa? Vì trong quá trình xét hỏi, bị cáo Quốc và Sơn đều khẳng định chưa bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng vì nguồn nước chưa đảm bảo, chưa được lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

“VKS khẳng định, Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước RO số 2 theo quy chế khoa lọc máu. VKS không buộc Lương phải chịu trách nhiệm trang thiết bị y tế, không bắt Lương phải đi nếm, đi ngửi để xác định chất lượng nguồn nước vì căn cứ vào quy chế của khoa lọc máu ban hành kèm theo Quyết định 1895 có quy định 1 mục rõ ràng đó là trưởng khoa lọc máu phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước trước khi đưa vào chạy thận. Trong trường hợp này Lương không báo cáo trưởng khoa trước khi ra y lệnh chạy thận, do đó, Lương phải tự chịu trách nhiệm về vấn đề này” – vị đại diện VKS nêu quan điểm.

Nguyễn Dương