1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bình Thuận:

Đại úy công an "làm ăn" với người bị giam

Vì đồng ý cho bị can thuê điện thoại dẫn tới hai bị can trốn trại giam, Lê Minh Sơn bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Lê Minh Sơn (35 tuổi, nguyên đại úy, cán bộ trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận) về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ngày 25-6, nguồn tin của báo Pháp Luật TP.HCM cho biết như trên.

Cùng bị truy tố với tội danh này còn có bị can Võ Ngọc Thiện (26 tuổi), phạm nhân tự giác tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận.

Phạm nhân, cán bộ thông đồng

Theo cáo trạng, Thiện là phạm nhân đang chấp hành bản án năm năm tù về tội cố ý gây thương tích tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận. Hằng ngày, Thiện được giao làm vệ sinh khu vực giam, đưa cơm nước cho các phạm nhân trong buồng và canh giữ khu B.

Giữa tháng 4-2019, một số bị can đang tạm giam nhờ Thiện đưa điện thoại vào trong buồng để liên lạc với người thân bên ngoài và sẽ trả tiền với giá cao. Thiện đồng ý và ra giá mỗi lần các bị can sử dụng điện thoại phải trả 5-7 triệu đồng.

Thiện tìm gặp Đại úy Sơn (được phân công tuần tra, canh gác trong và ngoài khu vực giam giữ) để bàn bạc và Sơn đồng ý. Sơn đưa điện thoại cho Thiện và đưa số tài khoản ngân hàng để người thân các bị can chuyển tiền sau mỗi cuộc gọi. Riêng Thiện cũng gọi cho bạn ở bên ngoài đứng tên mở giúp một tài khoản ngân hàng.

Với cách “kinh doanh” này, từ ngày 27-4 đến 29-6-2019, Thiện và Sơn đã 18 lần chuyển điện thoại vào buồng giam cho các bị can và được người thân các bị can chuyển tiền vào tài khoản của người thân Sơn (91 triệu đồng) và Thiện (17 triệu đồng).

Đại úy công an làm ăn với người bị giam - 1

Đại úy Lê Minh Sơn bị bắt tạm giam từ ngày 2-8-2019 đến nay. (Ảnh do công an cung cấp)

Nhờ điện thoại, bị can trốn trại thành công

Đặc biệt, từ ngày 22-5 đến 29-6-2019, Thiện đã đưa điện thoại 11 lần cho bị can Nguyễn Viết Huy, tức Huy “nấm độc” (bị tạm giam về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy) và Nguyễn Văn Nưng (phạm tội giết người) ở chung buồng giam số 5, dãy B. Lợi dụng có điện thoại, Huy “nấm độc” đã gọi điện thoại ra ngoài cho đàn em để gửi dụng cụ phục vụ kế hoạch trốn trại và trốn thành công.

Ngay sau đó, trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận đã cho tổng kiểm tra đột xuất toàn bộ các buồng giam, phát hiện bị can Phạm Xuân Vinh ở buồng giam số 2, dãy D đang giấu một điện thoại di động. Đây là điện thoại Thiện, Sơn đưa nhưng Vinh tìm cách giữ lại để dùng.

Từ lời khai của Vinh, toàn bộ sự việc “kinh doanh” của Đại úy Lê Minh Sơn và phạm nhân Võ Ngọc Thiện được Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện và chuyển Cơ quan điều tra VKSND Tối cao giải quyết theo thẩm quyền.

Được biết, đồng thời với việc truy tố bị can Sơn, VKSND Tối cao cũng phân công VKSND TP Phan Thiết (Bình Thuận) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vợ không biết chồng làm ăn phi pháp

Đối với vợ của Đại úy Sơn và bạn của Thiện khi mở tài khoản nhận tiền của người thân các bị can, cả hai đều không biết sử dụng các tài khoản này cho việc phạm tội nên Cơ quan điều tra VKSND Tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với vụ án thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị giam giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn thì quá trình điều tra đến nay không đủ căn cứ xác định lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác để hai can phạm bỏ trốn khỏi nơi giam giữ. Do đó, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án này.

Đến nay, toàn bộ cá nhân liên quan ca trực xảy ra vụ trốn trại đã bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. 

Theo Phú Nhuận

Pháp luật TP Hồ Chí Minh