Đại gia bật khóc, đề nghị được bồi thường 13 tỷ đồng thay Trịnh Xuân Thanh

Phúc Lâm

(Dân trí) - Giám đốc Công ty Mai Phương bật khóc, đề nghị được đứng ra bồi thường thay cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh khoản tiền hơn 13 tỷ đồng, số tiền được xác định là thiệt hại trong vụ án Ethanol Phú Thọ.

Đó là diễn biến bất ngờ tại phiên xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).

Cụ thể, trình bày tại tòa, ông Kiều Đào Lâm - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Mai Phương (Cty Mai Phương) - bất ngờ đưa ra đề nghị về việc Cty Mai Phương sẽ đứng ra bồi thường thay bị cáo Trịnh Xuân Thanh đối với khoản tiền gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Đồng thời, ông Lâm đề nghị tòa tuyên trả lại cho công ty của mình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc.

Đại gia bật khóc, đề nghị được bồi thường 13 tỷ đồng thay Trịnh Xuân Thanh - 1

Ông Kiều Đào Lâm, Giám đốc Công ty Mai Phương, trình bày tại tòa phúc thẩm (Ảnh: Tiến Nguyên).

Trong phần trình bày, ông Lâm cho rằng ở vụ án này PVC được cơ quan tố tụng xác định thiệt hại hơn 13 tỷ đồng. Tại tòa sơ thẩm, PVC chỉ yêu cầu bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường số tiền trên.

"Tòa cấp sơ thẩm lại tuyên thu toàn bộ mảnh đất này để trả lại cho PVC. Trong khi đó, tôi đã mua lô đất với giá 45 tỷ đồng bằng số tiền hợp pháp của cá nhân tôi, đã được cơ quan điều tra xác minh. Điều này là quá thiệt thòi cho doanh nghiệp chúng tôi" - ông Lâm nói trước tòa.

Đại gia quê Vĩnh Phúc xúc động, bật khóc: "Để có tiền mua được mảnh đất này, tôi đã huy động toàn bộ tài sản và vay mượn từ nguồn khác. Nếu mảnh đất này bị thu hồi thì công ty chúng tôi chắc chắn sẽ phá sản, cuộc sống của người thân trong gia đình tôi sẽ bị khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với mong muốn giữ lại mảnh đất này, tôi xin đề xuất hội đồng xét xử (HĐXX) đồng ý với phương án cho công ty chúng tôi tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng số tiền hơn 13 tỷ đồng mà PVC yêu cầu bồi thường. Như vậy, số tiền mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng gây thiệt hại cho Nhà nước cũng đã được khắc phục hoàn toàn.

Chúng tôi tha thiết đề nghị HĐXX phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện này của chúng tôi, đồng thời đề nghị HĐXX tuyên trả lại mảnh đất trên cho công ty chúng tôi nhằm đảm bảo quyền lợi của người thứ ba ngay tình theo quy định của pháp luật".

Theo lời ông Lâm, nếu được HĐXX chấp thuận, Cty Mai Phương sẽ thu xếp nộp ngay số tiền hơn 13 tỷ đồng cho PVC để công ty có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Việc thanh toán khoản tiền này, Cty Mai Phương sẽ tự giải quyết với bà Trần Dương Nga (vợ ông Trịnh Xuân Thanh) ở một vụ án dân sự khác.

Khi được HĐXX hỏi, đại diện Cty Mai Phương xác nhận, nếu được HĐXX đồng ý, Cty Mai Phương sẽ nộp khoản tiền bồi thường thiệt hại hơn 13 tỷ đồng ngay trong quá trình diễn ra phiên tòa này. Đại diện công ty này đề nghị tòa tạm dừng phiên xử để công ty nộp khoản tiền khắc phục.

Không triệu tập ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Từ ngày 27/9, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội bắt đầu phiên phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Ethanol Phú Thọ. Trước đó, phiên phúc thẩm từng 2 lần dự kiến mở ngày 5/8 và 15/9 song phải trì hoãn do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

Đại gia bật khóc, đề nghị được bồi thường 13 tỷ đồng thay Trịnh Xuân Thanh - 2

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm (Ảnh: Tiến Nguyên).

Trong phần thủ tục, chủ tọa Võ Hồng Sơn cho hay, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Mai Phương gửi đơn đề nghị hoãn phiên xử do luật sư đang phải cách ly để phòng, chống dịch. Đại diện Cty Mai Phương cũng đề nghị hoãn phiên tòa.

HĐXX xét thấy, phiên phúc thẩm đã phải trì hoãn 3 lần do dịch Covid-19. Việc luật sư không đến tham gia tố tụng lần này không phải là quy định bắt buộc để hoãn tòa. Sau khi xem xét ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát và các bên liên quan, chủ tọa quyết định tiếp tục làm việc.

Phiên phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 6 bị cáo. Trong đó, 3 bị cáo Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng Giám đốc PVC) và Nguyễn Xuân Thủy (cựu Phó phòng thuộc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự.

Hai bị cáo Khương Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB) cùng xin miễn trách nhiệm dân sự. Bị cáo Lê Thanh Thái (cựu Trưởng phòng thuộc PVB) mong được hưởng án treo.

Sáu bị cáo trên đều bị tuyên phạm tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Về dân sự, Công ty Mai Phương kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét trả lại 3.400 m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho đơn vị này. Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên trả lại khu đất cho PVC.

Liên quan vụ án, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) không kháng cáo nên không được tòa triệu tập.