1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

“Đại án” VNCB: Phan Thành Mai “sốc” khi bắt đầu điều hành VNCB

(Dân trí) - Thời điểm nhận điều hành VNCB, Phan Thành Mai thấy “sốc” khi biết khoản trả lãi vay ngoài quá cao và tài chính của ngân hàng quá căng thẳng, khi có khách rút vốn thì cả ngân hàng phải chạy đôn chạy đáo để gom tiền.

14h20 chiều 21/7, TAND TPHCM bắt đầu phần xét hỏi trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB). Bị cáo đầu tiên bị xét hỏi là Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh.

Nhận điều hành VNCB vì… “lý tưởng”

Ngay khi HĐXX xét hỏi, bị cáo Phan Thành Mai thừa nhận cáo trạng truy tố mình 2 tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, bị cáo chỉ xin bổ sung 1 chi tiết về số tiền 5.190 tỷ đồng Danh đã rút ra từ tài khoản của Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản và 300 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích mà không có chứng từ. Theo bị cáo Mai, bị cáo chỉ ký lệnh cho rút tiền như một thủ tục hợp thức hóa cho đúng quy định của ngân hàng Nhà nước, còn thực tế khi bị cáo ký thì 2 khoản tiền 5.190 tỷ đồng và 300 tỷ đồng trên đã giải ngân.

Bị cáo Phan Thành Mai trình bày rõ ràng, mạch lạc tại tòa và thừa nhận tất cả tội trạng như cáo trạng truy tố
Bị cáo Phan Thành Mai trình bày rõ ràng, mạch lạc tại tòa và thừa nhận tất cả tội trạng như cáo trạng truy tố

Trình bày trước tòa, bị cáo Mai cho biết mình học tập tại Đức về chuyên ngành kiến trúc và quản trị kinh doanh. Đầu năm 2000 trở về Việt Nam, làm giám đốc cho một số doanh nghiệp trong nước.

Từ 7/2011, bị cáo làm làm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Làm tại đây nên bị cáo rất tâm huyết với dự án xây dựng 1 cơ tài chính để giúp ngành xây dựng phát triển bền vững. Do đó, khi được Danh mời tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín để xây dựng VNCB thì bị cáo rất mừng và tâm huyết, vì đó là lý tưởng của bị cáo.

Từ năm 2012, Danh mời Mai viết đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín. Danh đề xuất ý tưởng đề xuất liên kết các tổ chức xây dựng thành lập một ngân hàng chuyên ngành hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. Đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại tín (12 tháng) được hình thành dựa trên ý tưởng này và kéo dài tới tháng 5/2013 mới hoàn chỉnh . Bị cáo Danh trả cho Mai và nhóm chuyên gia kinh tế viết đề án khoảng 3,2 tỷ tiền công.

Đến ngày 7/2/2013, bị cáo Mai nhận lời mời của Danh về làm việc tại ngân hàng Đại Tín và sau đó chuyển thành VNCB thì bị cáo giữ vị trí Tổng giám đốc. Tuy nhiên, khi bắt đầu điều hành VNCB thì bị cáo thừa nhận mình bị “sốc” trước thực trạng thiếu thốn tài chính gay gắt của ngân hàng này.

Cả ngân hàng chạy đôn chạy đáo vì 25 tỷ đồng

Theo bị cáo Mai, khi viết đề án tái cơ cấu thì Danh cho Mai biết tình hình tài chính của ngân Hàng Đại Tín lỗ lũy kế khoảng 8.000 tỷ, vốn thực khoảng 2.000 tỷ, số dư nợ khoảng 13.000 tỷ trong đó 95% là nợ khó đòi, không có khả năng thu hồi. Mỗi năm ngân hàng lỗ khoảng 2.000 đến 2.500 tỷ do chệnh lệch giữa khoản lãi phải trả với khoản vay khó đòi.

Do đó, khi tái cơ cấu thành VNCB, Danh phải bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động của ngân hàng. Bị cáo Mai kể: “Sau khi dùng hết tiền túi, không còn cách nào, anh Danh chỉ đạo phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động của ngân hàng!”.

Đại án VNCB đã bước sang ngày thứ 3
"Đại án" VNCB đã bước sang ngày thứ 3

Khi tiếp nhận VNCB, vị nguyên Tổng giám đốc VNCB thừa nhận: “Bị cáo sốc nhất là khoảng hoa hồng lãi vay ngoài để chăm sóc khách hàng gửi tiền. Lãi vay ngoài được thỏa thuận miệng và trích trả ngay cho khách hàng bằng tiền mặt và không có giấy tờ gì hết”.

Bị cáo Mai thừa nhận việc trả lãi vay ngoài là vi phạm quy định của ngân hàng Nhà nước nhưng bị cáo cho đó là tình trạng chung của các ngân hàng ở thời điểm đó để thu hút khách gửi tiền. Ông nói: “Theo quy định của ngân hàng nhà nước, lãi suất tiền gửi thời điểm đó là 8%, trong khi Đại Tín phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên nên lãi suất luôn trên 13%/năm”.

Khi được tòa hỏi, Mai thừa nhận cách này khá hiệu quả và giúp tăng trưởng tiền gửi của ngân hàng tăng từng quý. Bị cáo cho biết: “Đầu năm 2013, khi tham gia điều hành ngân hàng, mỗi quý tăng khoảng 3.000 tỷ số dư tiền gửi của người dân”.

Tuy nhiên, tình hình tài chính quá căng thẳng của VNCB thời điểm 2013 vẫn chưa dứt. Bị cáo cho biết: “Điều thứ 2 bị cáo sốc là hầu như giám đốc tất cả 21 chi nhánh đều đòi lên trụ sở vì ở chi nhánh họ không còn tiền trả cho khách hàng, áp lực rất lớn. Có chi nhánh ở miền Trung, khách hàng đòi 25 tỷ đồng mà cả chi nhánh phải căng ra thu gom tiền gửi của người dân trong nhiều ngày mới đủ trả cho khách hàng”.

Tuy nhiên, đã “đâm lao phải theo lao”, bị cáo đã áp dụng nhiều kiến thức tài chính mà mình đã học được để hỗ trợ Danh thực hiện các giao dịch rút tiền một cách tinh vi, qua mặt tổ giám sát tài chính của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB như cáo trạng đã nêu.

Tuy nhiên, bị cáo đính chính 1 điểm tại vụ việc làm khống hồ sơ dự án Corebanking để rút hơn 63 tỷ đồng của VNCB. Theo bị cáo, vụ việc này không liên quan gì đến bị cáo Lê Công Thảo, nguyên Giám đốc Trung tâm CNTT Ngân hàng VNCB.

Bị cáo Mai khai: “Thời điểm bị cáo bảo anh Thảo ký thì anh Thảo rất đắn đo, anh không biết gì về kế hoạch này nhưng bị cáo dùng uy tín cá nhân của mình để bảo anh Thảo ký. Bị cáo nói anh cứ ký, mọi trách nhiệm tôi gánh chịu!”.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa bác bỏ lập luận của bị cáo. Thẩm phản chủ tọa cho rằng: “Thảo là giám đốc Trung tâm CNTT nên phải có chuyên môn đủ để hiểu dự án này không có gì mà vẫn ký. Vả lại, nếu không có Thảo ký thì không đủ quy trình để rút tiền. Do đó, việc Thảo ký vào trong hợp đồng để rút tiền của ngân hàng đã đủ thể hiện trách nhiệm liên đới của bị cáo trong vụ việc này”.

Tùng Nguyên – Xuân Duy