Đại án VNCB: Cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín vừa bị bắt khai gì trước toà
(Dân trí) - Ngày 12/1, phiên tòa xét xử đại án VNCB nóng lên khi HĐXX cho di lý ngoài ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT) còn có bị can Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc) Ngân hàng Đại Tín tới tòa để trình bày một số vấn đề liên quan tới việc hai người này vừa bị bắt.
Cựu chủ tịch ngân hàng Đại Tín lên tiếng
Ngày 10/1, thực hiện quyết định khởi tố vụ án của TAND TPHCM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm tạm giam ông Hoàng Văn Toàn (cựu chủ tịch ngân hàng Đại Tín) cùng đồng phạm về các tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".
Đáng chú ý là ông Hoàng Văn Toàn cùng ông Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc) vừa bị bắt tạm giam để điều tra hành vi cố ý làm trái… được áp giải đến tòa chiều nay. Hai người này trong vụ án là người liên quan và có kháng cáo về quyết định khởi tố vụ án liên quan đến mình tại phiên tòa sơ thẩm. Trình bày trước tòa, ông Toàn và luật sư cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng.
"Ngân hàng Đại Tín cho hai công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay hơn 600 tỉ đồng, án sơ thẩm khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý làm trái… với ông Hoàng Văn Toàn và người liên quan trong Hội đồng Tín dụng Ngân hàng Đại Tín. Theo đó, việc khởi tố là phù hợp quy định pháp luật nhưng nội dung lại không như bản án sơ thẩm tuyên. Bởi thời điểm tuyên án, ông Toàn và những người liên quan bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về hoạt động cho vay, trong khi đó bản án sơ thẩm lại nói tội cố ý làm trái quy định... Đây là hai tội danh khác nhau", luật sư của ông Toàn phân tích.
Cả ông Toàn và luật sư đều bị HĐXX nhắc nhở "nội dung trình bày không liên quan đến vấn đề kháng cáo, cần đi thẳng vào vấn đề kháng cáo”.
Việc áp giải ông Toàn và ông Nam tham gia phiên tòa được xem là động thái tích cực của HĐXX phúc thẩm, theo đánh giá của giới luật sư tại phiên xử.
Đại diện nhóm Phú Mỹ chỉ có 4,89% cổ phần
Luật bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn trình bày, tòa sơ thẩm thu hồi vật chứng là chưa đúng và xác định ông Danh vi phạm quy định cho vay và cố ý làm trái để có tiền trả nợ cho bà Phấn nhưng đây chỉ là hành vi làm mất tiền của VNCB. Việc buộc tội ông Danh hai tội trên mà lại yêu cầu những người thực hiện như bà Phấn trả lại tiền là không hợp lý và chưa từng có trong án lệ. Nói cách khác, việc cầu bà Phấn trả lại số tiền trên là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Trong suốt quá trình điều tra chưa một lần bà Phấn được hỏi giao dịch nên xác định vị trí tham gia tố tụng của bà Phấn là sai. Bà Phấn được mời tham dự với vai trò là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người đại diện cho nhóm Phú Mỹ. Bà Phấn chỉ là người đại diện mà không yêu cầu ủy quyền cho ai là chưa đúng về mặt tố tụng.
Luật sư chất vấn tại sao tòa chỉ triệu tập ông Hoàng Văn Toàn, bà Hứa Thị Phấn, bà Lâm Hồng Trinh trong số 14 người của nhóm Phú Mỹ nếu coi đây là tang vật vụ án. Vì vậy, luật sư cho rằng, tòa không triệu những người còn lại mà vẫn quyết định thu hồi tài sản của những người này là chưa đúng. Bà Phấn chỉ chiếm 4,89% cổ phần nên nếu xác định đây là tang vật vụ án thì chỉ cần thu hồi 4,89%/84% cổ phần của ngân hàng.
Luật sư cho rằng, việc xử lý của tòa sơ thẩm là vi phạm tố túng. Tòa đã bác quyền kháng cáo của 13 người trong nhóm Phú Mỹ và tước bỏ quyền xét xử 2 cấp đối với những người này.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét vấn đề dân sự trong vụ án hình sự một cách hợp lý hơn, cần phải tách phần dân sự để làm rõ. Luật sư cũng yêu cầu TAND cấp cao tại TP HCM tuyên hủy 1 phần bản án sơ thẩm chấp nhận kháng cáo của bà Phấn.
Trung Kiên - Xuân Duy