1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Đại án tham nhũng 1.000 tỉ đồng tại Agribank: “Nhắm mắt”… duyệt hồ sơ

(Dân trí) - "Khi nhận được hồ sơ và thấy quyền phán quyết không đúng nên cấp dưới có trình bày sự việc lên cấp trên. Do Giám đốc Agribank chi nhánh 6 TPHCM chỉ đạo “các chú cứ làm” nên cấp dưới vẫn… nhắm mắt làm theo..." - bị cáo Long và Thụy trả lời thẩm vấn trước tòa.

Tài sản được “quay vòng” để thế chấp

Ngày 23/10, TAND TPHCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chiếm đoạt 966 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh 6, TPHCM (Agribank chi nhánh 6).

HĐXX tiến hành thẩm vấn nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ của Ngân hàng Agribank chi nhánh 6, TPHCM.

Bị cáo Hồ Đăng Trung cho rằng mình vi phạm vì tin tưởng cấp dưới
Bị cáo Hồ Đăng Trung cho rằng mình vi phạm vì tin tưởng cấp dưới

Bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) cho biết, mình duyệt cho nhiều công ty vay chứ không riêng gì công ty Tấn Phát. Với hồ sơ của công ty Tấn Phát, khi nhận hồ sơ, tưởng rằng cấp dưới đã kiểm tra đầy đủ quy trình, thủ tục nên Trung… nhắm mắt phê duyệt cho vay. Sau đó, Trung chỉ đạo cho cấp dưới là Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng tín dụng) và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy (nguyên là nhân viên làm việc tại Agribank chi nhánh 6) tiến hành các thủ tục giải ngân số tiền 170 tỉ đồng.

Để được vay số tiền 170 tỉ đồng, Dương Thanh Cường (Giám đốc công ty Tấn Phát) phải thế chấp giấy tờ của hai lô đất số 10 Âu Cơ và 44 An Dương Vương vào Agribank chi nhánh 6. Thế nhưng khi nhận được tiền, Dương Thanh Cường tiếp tục mượn lại giấy tờ đất đai để chuyển đổi tên người sở hữu. Được hai nhân viên là Long và Thụy đề xuất, tin tưởng cấp dưới, Trung đã cho Thanh Cường mượn lại.

Nhưng nào ngờ, Thanh Cường lại đem các giấy tờ kia qua Ngân hàng Phương Nam tiếp tục thế chấp. Khi bị thanh tra, Trung mới biết sự việc và đòi giấy tờ thì Cường xin gia hạn hết lần này đến lần khác.

“Mới ban đầu bị cáo chỉ cho mượn 10 ngày. Nhưng sau đó thấy Dương Thanh Cường không trả nên bị cáo có nhiều lần đòi. Thanh Cường lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 13 lô đất ở tỉnh Lâm Đồng thế chấp nên bị cáo đồng ý chấp nhận cho tiếp tục gia hạn”, bị cáo Trung nói.

Trả lời tòa về việc có hay không xin nâng quyền phán quyết về khoản vay 170 tỉ đồng, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6 thừa nhận không xin cấp trên mà dùng quyền phán quyết của một dự án trước đây để gán vào cho đủ hồ sơ rồi cho Thanh Cường vay 170 tỉ đồng.

“Việc lấy quyền phán quyết của công ty khác bỏ vào hồ sơ để hoàn thiện rồi cho vay. Bị cáo thấy làm như vậy có hợp lệ không?”, chủ tọa hỏi. “Dạ không”, bị cáo Hồ Đăng Trung đáp nhẹ.

Đến lúc này, vị chủ tọa mới kết lại rằng, trên thực tế thì việc lấy phán quyết của công ty khác là không hợp lệ. Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh 6 không đủ điều kiện cho vay nhưng bị cáo vẫn ngang nhiên thực hiện cho vay đối với công ty Tấn Phát là vi phạm.

Đại án tham nhũng 1.000 tỉ đồng tại Agribank: “Nhắm mắt”… duyệt hồ sơ - 2

Sếp bảo làm thì làm

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Hồ Văn Long và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy cho biết, khi nhận được hồ sơ và thấy quyền phán quyết không đúng nên có trình bày lên cấp trên. Tuy nhiên, do sếp Trung chỉ đạo cứ làm nên hai “lính” này nhắm mắt làm theo. “Anh Trung bảo đây là khách của trung ương giới thiệu. Bên cạnh đó, khi cho vay, Công ty Tấn Phát có các cam kết nên bị cáo cũng không hỏi gì thêm nhiều”, bị cáo Long nói.

Riêng bị cáo Nguyễn Hoàng Quốc Thụy thì cho rằng, khi nhận thẩm định hồ sơ của công ty Tấn Phát thì có đi xuống dự án số 10 Âu Cơ xem xét tình hình. Thấy công ty Tấn Phát vay với mục đích sử dụng cho những dự án tương lại, vị trí, quy mô dự án này rất đẹp nên đã phê duyệt. Hơn nữa, ngoài hồ sơ mà trưởng phòng Hồ Văn Long đưa, Thụy còn có được một số công văn của Bộ Tài chính, UBND TPHCM… nên thấy tin tưởng và thông qua.

Quế Sơn